Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, sáng 19/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và 92 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số tình cảm sâu sắc, chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước khẳng định công tác chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc," càng khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa còn thì dân tộc còn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh đất nước.
Chủ tịch nước đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hóa có ý nghĩa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong đó hội tụ về “ngôi nhà chung” với những lễ hội độc đáo, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nghi thức được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những lễ hội đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc do chính các chủ thể văn hóa là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín thực hiện.
Chủ tịch nước nhấn mạnh các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, “giữ lửa” ở các bản, làng. Sự đóng góp quan trọng thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Đề cập đến những hạn chế trong chính sách đối với người có uy tín, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương tập trung khắc phục; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay.
Cùng với đó, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín, qua đó động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; công tác hòa giải ở cơ sở.
Những thông tin về tình hình kinh tế-xã hội cần được cung cấp kịp thời đi kèm với bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng... để người có uy tín nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Chủ tịch nước lưu ý, cùng với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, cần chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Chú trọng lan tỏa sâu rộng các tấm gương già làng, trưởng bản tiêu biểu trong cộng đồng.
Chủ tịch nước mong muốn già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; là nhân tố tích cực trong các phong trào của địa phương, tiếp tục vận động đồng bào phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tự lực tự cường, đoàn kết dân tộc, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng.
Tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật và một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc; trao truyền các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ.
Bởi theo Chủ tịch nước, thông qua sự kết nối của văn hóa, chúng ta sẽ dễ dàng gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.
Chủ tịch nước yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác khuyến học để nâng cao tỷ lệ biết chữ phổ thông trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa đến việc dạy và giữ gìn, duy trì sử dụng ngôn ngữ dân tộc, qua đó khẳng định sự tồn tại, hiện hữu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.