Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
Cập nhật ngày: 19-04-2022
 
Đây là một trong 4 chuyên đề giám sát năm 2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ phiếu lựa chọn, sáng nay.
 

Sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023.

Chọn 4/5 chuyên đề

Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2023. Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và UBTVQH giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau:

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 -0
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề trên. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chuyên đề thứ nhất có hai phần, phần 1 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, phần 2 đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. "Việc phân chia thành hai phần như vậy là đúng nhưng rất rộng, không tập trung vào một vấn đề trọng tâm mà tôi thấy có nhiều bất cập, yếu kém bộc lộ qua đợt phòng, chống dịch vừa rồi là vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng", ông góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo cần mở rộng thêm việc cung cấp than, khí ra sao, sản xuất bao nhiêu, nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo cung ứng nguồn điện. "Tôi muốn mở rộng chuyên đề này ra về năng lượng nói chung, phải có chiến lược làm sao giải quyết hài hòa các khâu trong một chuỗi để duy trì năng lượng sản xuất cho ngành điện, ngành than, ngành khí, từ đó có bài toán về an ninh năng lượng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Một số ý kiến đề nghị bỏ Chuyên đề thứ 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia vì đến Kỳ họp thứ 4 Chính phủ phải báo cáo về việc này, đương nhiên các Ủy ban của Quốc hội phải thẩm tra và Quốc hội cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa lớn, liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh nên cần phải được lựa chọn. "Báo cáo của Chính phủ thường gửi Quốc hội nghiên cứu chứ có phải trình bày tại kỳ họp Quốc hội đâu. Tôi đề nghị cái này hết sức quan trọng, nên giữ lại, nhiều nơi người ta kêu lắm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tán thành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, quan trọng của giám sát là chỉ ra những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời chỉnh sửa chính sách sát thực tiễn cuộc sống, hỗ trợ, đảm bảo đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 3 trụ cột an sinh thể hiện chính sách ưu việt của chế độ, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Từ thời điểm thông qua Đề án, đến nay triển khai thực hiện vẫn ở khâu tổ chức triển khai, chưa đến khâu thực hiện. Chương trình này có 10 dự án thành phần đi theo cùng, phụ thuộc 9 bộ ngành của Chính phủ. Việc cụ thể hóa các đề án thành phần này rất chậm, chưa thể phân bổ nguồn vốn đầu tư công...

"Tôi tha thiết có thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội để những chính sách triển khai hỗ trợ chương trình này nếu có vấn đề chưa đạt thì qua giám sát chỉ ra để điều chỉnh đảm bảo cac dự án thành phần thực hiện đạt mục tiêu, tương ứng, đồng bộ, hỗ trợ, chia sẻ, huy động nguồn lực của Nhân dân trong việc vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ.

Qua lấy phiếu xin ý kiến, UBTVQH nhất trí lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2023 gồm: Chuyên đề 1, Chuyên đề 2, Chuyên đề 3 và Chuyên đề 4.

Không giám sát vấn đề đất đai vì Quốc hội sắp cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi)

Liên quan việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ được nhiều cơ quan đề xuất nhưng chưa được lựa chọn (11 ý kiến), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022). Theo đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này sẽ được Chính phủ báo cáo và các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm toán để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024.

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm.

"Nếu tổ chức giám sát chuyên đề này sẽ có nhiều nội dung, hoạt động trùng lắp với cách thức tiến hành thẩm tra, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; bên cạnh đó, trong quá trình tổng kết Nghị quyết về nội dung này sẽ có sự tham gia phối hợp của Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra việc thực hiện hàng năm", Tổng Thư ký Quốc hội lý giải.

Về các đề xuất liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất… (10 ý kiến) và liên quan đến đất đai (9 ý kiến), ông cho biết, tại phiên họp tháng 9 vừa qua, UBTVQH đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cả 2 nhóm vấn đề nêu trên và đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp này, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại phiên họp tháng 9 hằng năm của UBTVQH.

Đối với vấn đề về đất đai, hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được điều chỉnh trình Quốc hội cho ý kiến từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6). Trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội sẽ tham gia để phối hợp lựa chọn các vấn đề chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm để giám sát, khảo sát.

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 -0
Toàn cảnh phiên họp.

Đối với vấn đề về môi trường, năm 2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành giám sát chuyên đề về "Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao" và năm 2021, đã tiến hành giám sát lại việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến chuyên đề này. Hơn nữa, Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, do đó cần có thời gian để các cơ quan triển khai thực hiện.

Có ý kiến đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về tổng rà soát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011 đến nay vì tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp, có quy mô lũng đoạn nhà nước; sự trì trệ trong quản lý điều hành ở không ít nơi; chất lượng xây dựng và ban hành thể chế đều bắt nguồn từ chất lượng nhân sự của bộ máy.

Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ được quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Căn cứ kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban cho thấy, các chuyên đề được lựa chọn đã cơ bản bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực và khả năng thực tế của các cơ quan. "Tuy nhiên, chuyên đề đề nghị bổ sung là vấn đề được cử tri và dư luận xã hội quan tâm; căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ đề xuất đưa vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn hoặc Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH vào thời điểm thích hợp", Tổng Thư ký Quốc hội thông tin.



Nguồn: cand.com.vn