Bỏ thanh tra cấp huyện, nên hay không?
Cập nhật ngày: 19-04-2022
 
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, thanh tra cấp huyện sẽ giúp giải quyết những vấn đề ngay từ cơ sở, không trở thành vấn đề lớn, phát sinh dẫn đến bức xúc, kéo dài, hay gây hậu quả và gánh nặng cho cấp trên.
 

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Dự thảo luật do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày cho biết, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều.

Bỏ thanh tra cấp huyện, nên hay không? -0
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình tại phiên họp.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính (các mục 1, 4 và 6 Chương II), dự thảo luật giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Tuy nhiên, qua thẩm tra, đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành với đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra.

Theo đó, UBPL đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện với những lý do: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả; giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 Thanh tra huyện), phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. "Khắc phục tình trạng "dàn đều" về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh", Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng nêu.

Bỏ thanh tra cấp huyện, nên hay không? -0
Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng.

Đồng thời, vẫn bảo đảm nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra" vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh. Quản lý tập trung lực lượng thanh tra ở địa phương, thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong hệ thống thanh tra hiện nay vẫn phải có thanh tra cấp huyện, nhưng cần đổi mới về tổ chức và tăng cường năng lực hiệu quả hơn. "Thanh tra cấp huyện giải quyết những vấn đề ngay từ cấp cơ sở thì sẽ không trở thành những vấn đề lớn, phát sinh, tồn đọng lại, dẫn đến bức xúc, kéo dài, hay gây hậu quả, đùn đẩy và gây gánh nặng cho cấp trên", bà nêu quan điểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, thanh tra cấp huyện đến thời điểm này rất quan trọng vì cấp xã không có thanh tra, trong khi cấp huyện cũng có thu - chi ngân sách nên cần cơ quan thanh tra; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trước khi ban hành quyết định hành chính phải đối thoại với dân, mà khi đối thoại với dân phải có cơ quan thanh tra thực hiện.

Bỏ thanh tra cấp huyện, nên hay không? -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

"Đặc biệt, nếu bỏ vai trò thanh tra cấp huyện thì thiếu vắng, cả cấp chính quyền từ huyện xuống phường, xã không có cơ quan thanh tra, trong khi cấp tỉnh không thể nào với tay xuống", ông phân tích, cho rằng thanh tra cấp huyện không những cần duy trì mà còn phải tăng cường thêm vai trò, nhân lực để họ thực hiện nhiệm vụ vì tại địa phương, phường, xã công việc ngày càng phức tạp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình với mô hình thanh tra 3 cấp như hiện nay vì thanh tra cấp huyện thay mặt Nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết khiếu nại tố cáo… "Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì ai làm việc này? Đây là vấn đề chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ", Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

"Tôi đồng ý với ý kiến một số đồng chí, thanh tra cấp huyện là cấp không thể thiếu", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh. Ông cho rằng, phải chăng hệ thống tổ chức thanh tra của chúng ta "theo vành nón lộn ngược", về tổ chức, biên chế trên thì nhiều nhưng dưới cơ sở thì ít, trong khi việc dưới ấy nhiều hơn. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất với tờ trình Chính phủ, hệ thống thanh tra phải gồm 3 cấp và cần tăng cường cho thanh tra cấp huyện...



Nguồn: cand.com.vn