Hội nghị “Kỹ năng giám sát dành cho đại biểu dân cử”
Cập nhật ngày: 5-04-2022
Ngày 4/4, tại TP Cần Thơ, Ban Công tác đại biểu tổ chức hội nghị “Kỹ năng giám sát dành cho đại biểu dân cử” dành cho các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại diện Thường trực HĐND, các báo cáo viên, cộng tác viên, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, đại diện các đơn vị của 36 tỉnh, thành từ Quảnh Bình đến Cà Mau.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức tổng quan về giám sát, các kỹ năng cần thiết cho hoạt động giám sát như: Kỹ năng phân tích thông tin, kỹ năng chất vấn, kỹ năng giám sát chuyên đề, kỹ năng tham mưu trong hoạt động giám sát dành cho đội ngũ tham mưu giúp việc trong cơ quan dân cử. Hội nghị lần này được chia thành 2 lớp: một cho các ĐBQH và đại biểu Thường trực HĐND; một cho đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc với những chuyên đề chuyên sâu và riêng. Từ đầu nhiệm kỳ 15, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 4 Hội nghị bồi dưỡng cho ĐBQH và đại biểu HĐND tại Hà Nội (2 cuộc), Huế, Tuyên Quang với hơn 440 người tham dự.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị nội dung, mời được các báo cáo viên có chuyên môn sâu, dày dặn kinh nghiệm sẵn sàng trao đổi, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, ĐBQH, đại biểu HĐND là hạt nhân trong hoạt động của QH, HĐND, có đóng góp rất quan trọng đối với chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, HĐND.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Luật giám sát của QH và HĐND đã được QH khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015. Qua 6 năm thực hiện luật, Hoạt động giám sát của QH, HĐND đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; góp phần đưa luật pháp, các nghị quyết của QH, HĐND đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của QH, HĐND thời gian qua còn hạn chế, bất cập, như việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; một số trường hợp, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp...
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ ra một số chủ thể chưa thực sự đi sâu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề cần giám sát, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Nhiều đại biểu mới trúng cử, hoạt động trong môi trường mới, trong khi hoạt động giám sát vừa có phạm vi rộng, vừa đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu nên các đại biểu cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát...
Thông tin thêm về công tác giám sát trong năm 2022 của QH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, QH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 giám sát chuyên đề gồm: 2 giám sát chuyên đề của QH về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch”; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ mong muốn sau hội nghị này, các đại biểu sẽ có những đổi mới, quyết tâm hơn, nhận thức rõ hơn và chuyển hóa thành những hành động cụ thể đối với hoạt động giám sát.
Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Vua Hùng, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.