Cần rà soát kỹ, toàn diện về phương án quy hoạch nguồn điện
Cập nhật ngày: 4-04-2022
 
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
 

Cuộc họp của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra ngày 14/3. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm hoàn thành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.

Cần rà soát kỹ, toàn diện về phương án quy hoạch nguồn điện -0
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng.

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII phải bám sát các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55), các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và cam kết của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Thực hiện quan điểm xây dựng phải hướng tới phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, đặc biệt là nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Về các nội dung Bộ Công Thương kiến nghị, Thường trực Chính phủ thống nhất cần rà soát kỹ, toàn diện hơn về phương án quy hoạch nguồn điện bảo đảm theo các yêu cầu nêu trên; lưu ý tính toán so sánh phương án phải đảm bảo số liệu khách quan, có nghiên cứu dự báo về giá năng lượng trong tương lai. Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bám sát nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 55 cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.



Nguồn: cand.com.vn