Chủ tịch nước đã tới thăm mô hình Hội quán cùng nhau làm Du lịch - một cơ sở liên kết trên nền tảng các hợp tác xã trong làng hoa cảnh Sa Đéc hơn 100 tuổi và hợp tác xã làm du lịch trên địa bàn. Đến nay, Hội quán đã có 27 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực lữ hành, lưu trú homestay, khách sạn, ẩm thực, các khu, điểm tham quan du lịch, vườn tham quan hoa kiểng, vườn trái cây sinh thái, dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy và đường bộ bằng xe điện thân thiện với môi trường.
Tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng tới thăm một mô hình hợp tác kết hợp nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn với hướng phát triển hiệu quả.
Chủ tịch nước cho rằng, đây là mô hình kết hợp giữa những loại hình kinh doanh cũ nhưng với lối đi mới, tạo nên sự đa dạng hóa cần thiết trong kinh doanh, thể hiện qua mức thu nhập của các cơ sở tăng lên gấp 4 lần so với trước khi liên kết; qua đó khuyến khích và thu hút đông đảo người dân tham gia.
Gợi ý Đồng Tháp nghiên cứu tổ chức Lễ hội hoa Đồng Tháp ở địa danh Sa Đéc nổi tiếng để thu hút, phát triển du lịch, Chủ tịch nước hoan nghênh nguyên tắc ba cùng trong mô hình liên kết này; đồng thời lưu ý các Hội quán phải thu hút nhiều hơn nữa các hội viên để huy động nguồn vốn lớn hơn cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hướng chuyển dịch kết hợp giữa sản xuất và dịch vụ; đầu tư xây dựng và bảo hộ thương hiệu; chú ý các tiêu chí sạch trong sản xuất; đa dạng hơn nữa các sản phẩm chiết xuất từ hoa tươi để nâng cao giá trị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm mô hình sản xuất của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 tại huyện Tháp Mười. Được thành lập từ năm 2013 với 108 thành viên, Hợp tác xã tham gia dịch vụ tưới tiêu, nạo vét kênh mương và liên kết tiêu thụ lúa, mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác xã có mô hình hoạt động hiệu quả, nhất là mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa sản xuất. Hợp tác xã đã thực hiện tốt cả dịch vụ đầu vào và đầu ra, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp giúp sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là cơ sở nâng cao thu nhập cho nông dân và giúp xã viên yên tâm tham gia. Chủ tịch nước cho rằng, đây cũng là mô hình hiệu quả mà huyện Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp cần nhân rộng để nâng cao đời sống cho người nông dân.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần, chủ trương và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể; vận dụng một cách đổi mới, sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Đặc biệt, Đồng Tháp vươn lên xếp thứ 3 về số sản phẩm OCOP trong cả nước. Nhờ đó, bộ mặt khu vực nông thôn không ngừng được đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị nông thôn có bước chuyển biến đáng mừng.
Chủ tịch nước hoan nghênh lối ra của Đồng Tháp trong phát triển kinh tế nông nghiệp với việc xác định được các sản phẩm có thế mạnh như: Cá, trái cây, hoa sen, du lịch… ngày càng bổ sung cho kho sản phẩm OCOP của địa phương.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì số lượng các mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng xuất hiện nhiều hơn với quy mô lớn hơn và có thu nhập cao hơn. Điều này chứng tỏ những kết quả ban đầu của tỉnh trong việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là đúng hướng. Cũng chính những mô hình chung tay phát triển kinh tế này đã lan tỏa, cộng hưởng phát triển các yếu tố văn hóa, xã hội trên địa bàn, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, quy mô của các mô hình liên kết hợp tác xã kiểu mới tại Đồng Tháp vẫn còn ở mức thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là tăng cường khả năng kết nối giao thông.
Gợi ý một số định hướng phát triển cho Đồng Tháp trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần tiếp tục phấn đấu ở vị trí tiên phong trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ quy hoạch của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp cần hoàn thiện, bổ sung quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đồng bộ, lâu dài, hướng tới các mục tiêu bền vững, đột phá hơn.
Về những mục tiêu dài hạn trong kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, Chủ tịch nước mong muốn Đồng Tháp tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, tỉnh cần nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới; giữ vững thương hiệu du lịch Đồng Tháp an toàn, đa dạng và hấp dẫn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, một chủ trương lớn của Đảng, Chủ tịch nước nêu rõ đây là lĩnh vực cần thiết không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Chủ tịch nước nêu rõ, kinh tế tập thể là xu hướng mang tính tất yếu khách quan ở Việt Nam; đặc biệt là kinh tế hợp tác xã. Thực tiễn đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này trong nền kinh tế thị trường mà kết quả ở Đồng Tháp là một minh chứng rõ nét.
Chủ tịch nước cũng lưu ý việc tham gia liên kết các mô hình hợp tác xã kiểu mới không phải là bắt buộc mà trên tinh thần tự nguyện, có tính cạnh tranh và trên nền tảng áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, không ngừng tăng năng suất, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.
Cho rằng, phát triển kinh tế hợp tác xã là một quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường, do đó cần tổ chức lại mô hình này để có hiệu quả cao hơn, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng cần đặc biệt chú trọng vấn đề này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cũng đề nghị Đồng Tháp đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị theo chỉ đạo của Trung ương mới đây, tận dụng tốt hơn tài nguyên đất đai cho phát triển.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và dâng hương tại Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh.
Nguồn: cand.com.vn