32 bộ, cơ quan trung ương và 9 tỉnh chưa báo cáo
Theo Báo cáo kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề nêu trên do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trình bày, vì phạm vi rất rộng nên nội dung giám sát tối cao của Quốc hội tập trung vào 5 lĩnh vực trọng điểm dễ sinh lãng phí, thất thoát: Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); về quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; về quản lý tài sản nhà nước; về quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.
Đoàn giám sát thẳng thắn chỉ rõ báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Theo đó, đúng thời gian quy định chỉ có báo cáo của Chính phủ; 31 bộ, cơ quan trung ương; 40 HĐND cấp tỉnh; 40 UBND cấp tỉnh và 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh. Theo đó, nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được (cơ bản thực hiện tốt); nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong khi Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí nêu rất nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm...
Nêu chung chung thì không tạo chuyển biến
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu hạn chế khi giám sát qua hình thức nghe báo cáo là các đối tượng báo cáo thường không dám chỉ thẳng ra hạn chế của mình; nhiều báo cáo hạn chế, số lượng không đầy đủ... Bà gợi ý nên tập trung vào các điểm nhấn là: lãng phí về đất đai, hoang hoá, dự án treo vì "ngay Hà Nội có khu đô thị sau 10 năm cả khu chỉ có 1 nhà, còn lại cỏ mọc lút đầu, không nhúc nhích", các dự án dang dở "nằm phơi mưa phơi nắng"; tình trạng quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công.
"Đề nghị khi giám sát, Đoàn cần tập trung khai thác các nội dung nêu trên, mong muốn qua giám sát này tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và cần nêu rõ trách nhiệm, chứ nêu chung chung "có nơi, có lúc, có đơn vị, địa phương"... thì cuộc giám sát không thể tạo chuyển biến", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải giám sát một số vụ việc lớn, cụ thể, giám sát "có diện nhưng phải có điểm", chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng, từ đó có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, lan tỏa trong xã hội. Vì từ lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều khi còn lớn hơn các vụ tham nhũng lớn nên phải tập trung đánh giá; bám sát quy định, chính sách để chỉ ra kết quả thực hành tiết kiệm.
"Báo chí nêu hàng loạt dự án "làm nghèo đất nước". Đất đai chưa kiểm đếm, đo vẽ còn nhiều vô kể. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hoá không thu hồi được. Như ở Tây Nguyên, có hồ chứa nước 3.000 tỷ đồng làm xong lâu rồi mà không sử dụng, tưới tiêu được thì trách nhiệm của ai? Ban hành văn bản khiến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí thì nguyên nhân là gì, cần làm rõ" – Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và nhấn mạnh đây là nguồn lực rất lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải làm rõ vì sao đến ngày 23/3 còn nhiều bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo? Trong khi thời gian vừa qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các bộ ngành hết sức quan tâm.
"Phải có cơ chế, chế tài cần thiết đảm bảo tính nghiêm túc, những bộ ngành, địa phương không gửi báo cáo là lý do vì sao? Cần lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Đoàn giám sát khẩn trương tham mưu ban hành văn bản đốc thúc các bộ ngành, địa phương có báo cáo đúng, đủ, nơi nào không báo cáo cần xử lý nghiêm.
Khẳng định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rộng, nhạy cảm, liên quan đất đai, tài sản công, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng việc các báo cáo đầy đủ, trung thực là chuyện rất khó. Do đó, theo bà, nên chăng đề nghị đối với Chính phủ, bộ ngành trung ương và địa phương thì Đoàn giám sát nên chủ động hơn trong rà soát, tổng hợp, nắm bắt thông tin liên quan việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Đoàn nên có nghiên cứu độc lập tương đối để có dữ liệu, để khi văn bản các bộ ngành, địa phương gửi lên thì có cái đối chiếu, so sánh. Phát huy vai trò và sử dụng kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán...", Trưởng Ban Công tác đại biểu góp ý kiến.
Nguồn: cand.com.vn