Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Cập nhật ngày: 21-03-2022
Thăm, khảo sát và dự lễ khánh thành một số dự án lớn tại Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà đầu tư nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Sáng ngày 20/3, tại Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát quy hoạch, hướng tuyến một số tuyến giao thông trọng điểm; dự lễ khánh thành dự án Nhà máy Hayat Kimya với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Cùng tham dự các sự kiện có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.
Tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, khu vực giáp tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng đã nghe báo cáo về hướng tuyến dự án đường bộ từ TP. Đồng Xoài (Bình Phước) qua Đồng Nai, kết nối với các công trình hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đông Nam Bộ như tuyến vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch, triển khai các dự án ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất, ít ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Tuyến đường ĐT.753 từ Bình Phước đi sang Đồng Nai là đường gần nhất kết nối từ các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cái Mép, Thị Vải (rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại).
Theo Quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường ĐT.753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ.13C (đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai).
Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương.
Sử dụng hiệu quả nhất quỹ đất và lao động trên cơ sở công nghệ, quản trị hiện đại
Tại khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra Nhà máy CPV Food. Nhà máy thứ 17 này của Tập đoàn CP (Thái Lan) tại Việt Nam cũng là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Tập đoàn, với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Đây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi - trang trại gà giống bố mẹ - nhà máy ấp trứng - trang trại gà thịt - nhà máy giết mổ và chế biến, cùng với hệ thống xử lý phế phẩm.
Trong giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), quy mô tổ hợp dự án là 50 triệu con/năm với sản lượng chế biến 116.000 tấn/năm. Trong đó, 55% sản lượng thực phẩm chế biến được dành cho xuất khẩu, 45% cung cấp nội địa.
Giai đoạn 2 của dự án bắt đầu từ năm 2023, nâng công suất lên gấp đôi, tương đương 100 triệu con gà thịt/năm. Thị trường xuất khẩu mục tiêu của tổ hợp dự án là Nhật Bản 45%, EU 35%, các nước châu Á khác 10%, Trung Đông 10%.
Tại đây, Thủ tướng đã thăm dây chuyền sản xuất và tìm hiểu về hoạt động của nhà máy, đặc biệt là việc xử lý các vấn đề môi trường, phát thải methane; hoạt động, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhà máy, tác động của các FTA mà Việt Nam đã tham gia tới nhà máy; đóng góp của nhà máy với ngân sách nhà nước…
Nhà máy cho biết hiện năm 2021 đóng thuế khoảng 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.800 người với mức lương khoảng 10-15 triệu đồng, cao hơn bình quân chung trong khu vực.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Thủ tướng đánh giá, nhà máy công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhà máy tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa trong khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi (hiện nhập khẩu khoảng 70%) góp phần giảm chi phí cho nhà máy và cùng Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ…
Thủ tướng đề nghị tổ hợp nhà máy xử lý tốt vấn đề môi trường khi vận hành 24 trang trại chăn nuôi gà; tận dụng tối đa các FTA mà Việt Nam đã ký kết để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; sử dụng hiệu quả nhất quỹ đất và lao động trên cơ sở công nghệ, quản trị hiện đại… Đồng thời, đóng góp thuế nhiều hơn nữa cho ngân sách theo quy định của pháp luật Việt Nam; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho nhà máy hoạt động, hai bên phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Quan tâm chăm lo đời sống người dân, người lao động
Tiếp đó, tại khu công nghiệp Becamex Bình Phước, huyện Chơn Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án Nhà máy Hayat Kimya (Việt Nam).
Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex – Bình Phước làm chủ đầu tư hạ tầng với diện tích đất công nghiệp trên 2.400 ha. Sau 4 năm triển khai và mời gọi đầu tư, đến nay, KCN Becamex – Bình Phước đã thu hút được 49 dự án, với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ; trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động. Ước tính, khu liên hợp Becamex Bình Phước chiếm tới trên 1/3 tổng vốn đầu tư nước ngoài của toàn tỉnh Bình Phước từ trước tới nay.
Trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước đạt 130 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước; Giá trị xuất khẩu 118 triệu USD, tăng 51%; Giá trị nhập khẩu 110 triệu USD, tăng 37%; nộp ngân sách tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước là kết quả của sự hợp tác giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, dự án được triển khai theo mô hình Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ mà Tổng công ty Becamex IDC đã vận hành rất hiệu quả tại tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành khác.
Dự án Nhà máy sản xuất tã trẻ em và khăn giấy của Tập đoàn Hayat Kimya (100% vốn Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 250 triệu USD. Hayat Consumer Group (được thành lập năm 1987) là một nhà đầu tư toàn cầu có năng lực trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh – đứng thứ 45 trong danh sách những nhà xuất khẩu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020, xếp thứ 39 trong danh sách 500 doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc khánh thành Nhà máy và cam kết mở rộng đầu tư của Tập đoàn Hayat Kimya tại Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn đầu tư quốc tế của Việt Nam nói chung và của Bình Phước nói riêng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, nhà máy được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường, phát thải thấp. Về phần mình, tỉnh sẽ luôn lắng nghe, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động với 4 tốt: Hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt.
Ông Ugur Hasan Tahsin - Phó Chủ tịch khu vực châu Á của Tập đoàn đánh giá với các dự án cao tốc, đường sắt đang được triển khai, hoàn thiện trong khu vực, đặc biệt là kết nối từ Bình Phước lên TPHCM, các dự án đầu tư tại Bình Phước sẽ được hưởng lợi. Cùng với đó, việc tỉnh Bình Phước đang đầu tư đồng bộ hơn cho hạ tầng xã hội cũng sẽ là điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết Tập đoàn sẽ tăng cường kết nối với các đối tác, giới thiệu về một Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước tiến của Bình Phước trong phát triển nhanh, bền vững thời gian qua. Tỉnh có điều kiện tương đối tốt, nhất là về công nghiệp, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với điều kiện, tiềm năng. Tỉnh còn có những hạn chế về phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số và hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao "4 tốt" của Bình Phước, Thủ tướng đề nghị tỉnh làm công tác quy hoạch tốt. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương. Đồng thời, các cấp chính quyền phải quản trị tốt, mạnh mẽ, quyết liệt, đúng hướng, khoa học hơn; bảo vệ môi trường tốt.
Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm đến Bình Phước, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tích cực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn tài chính cho phát triển; nâng cao năng lực quản trị; quan tâm bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm tới lợi ích chính đáng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, trong đó có vấn đề nhà ở công nhân.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại Bình Phước nói riêng nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, góp phần cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa các nước và Việt Nam. Đồng thời, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và chăm lo đời sống người dân đã nhường mặt bằng cho các dự án, bảo đảm phải tốt hơn nơi ở cũ và năm sau tốt hơn năm trước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua.