Quy định chặt chẽ, không để người nghiện lợi dụng trốn tránh cai nghiện bắt buộc
Cập nhật ngày: 11-03-2022
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho rằng, người nghiện ma túy thường chây ì, không thực hiện việc cai nghiện tự nguyện hoặc dùng thuốc thay thế. Do đó, nếu quy định trường hợp cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp đăng ký thì được tạm đình chỉ sẽ tạo ra sơ hở, khiến người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trốn tránh việc cai nghiện bắt buộc.
Sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân (TAND) xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ba trường hợp đưa người từ 12 đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý thì người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp: người nghiện ma tuý không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện; người nghiện ma tuý trong thời gian cai nghiện ma tuý tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì UBTVQH quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
"Với lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều", Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du khẳng định.
Về nội dung cụ thể, Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, vẫn còn quan điểm khác nhau về quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116 của Chính phủ, bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn. Theo Quan điểm thứ hai, nội dung trên đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116 nên Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại mà chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban và ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất, vì Nghị định số 116 chưa quy định đầy đủ, bao quát được hết các trường hợp cần thiết phải hoãn, miễn, tạm đình chỉ cho người phải chấp hành cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Nếu không quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì thiếu căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành.
Người nghiện không tự giác đăng ký thì phải đưa đi cai nghiện bắt buộc
Thảo luận tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, nhất trí với sự cần thiết xây dựng Pháp lệnh.
Tuy nhiên, góp ý vào nội dung dự thảo Pháp lệnh, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho rằng, điểm d1, d2, khoản 1, Điều 16 quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không thực hiện tự nguyện điều trị bằng các biện pháp thay thế, khi Tòa án chuẩn bị xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lại có đơn đăng ký thực hiện cai nghiện tự nguyện và cam kết thực hiện thì tạm đình chỉ là chưa phù hợp với các pháp luật có liên quan.
Bởi vì, thứ nhất, theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, sau khi được xác định người nghiện thì người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tạo điều kiện đăng ký cai nghiện tự nguyện, đăng ký điều trị bằng các chất thay thế. Khi người nghiện không tự giác đăng ký; đăng ký sử dụng thuốc nhưng không thực hiện; tự ý chấm dứt, hoặc vi phạm trong thời gian cai nghiện tự nguyện, điều trị chất thay thế thì lúc này phải đưa đi cai nghiện bắt buộc chứ không thể đình chỉ như dự thảo Pháp lệnh.
Thứ hai, Nghị định 116 của Chính phủ không quy định việc đình chỉ lập hồ sơ đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong giai đoạn lập hồ sơ khi cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện pháp luật đề nghị. Về điều trị cai nghiện, một trong những điều kiện là không thể đình chỉ việc xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ ba, quy định như trường hợp điểm d1, d2, khoản 1, Điều 16 trong thực tế sẽ không khả thi, vì người nghiện ma túy thường chây ì, không thực hiện việc cai nghiện tự nguyện hoặc dùng thuốc thay thế. "Nếu đến khi Tòa án chuẩn bị xem xét lại đăng ký, được đình chỉ thì sẽ tạo ra sơ hở để họ lợi dụng, trốn tránh không sử dụng biện pháp này. Đồng thời gây tốn kém, lãng phí cho các cơ quan trong quá trình lập hồ sơ, khiến cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không được cai nghiện hiệu quả. Do vậy, đề nghị không quy định việc đình chỉ xem xét và yêu cầu cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp d1, d2 khoản 2 Điều 16", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Cũng liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới bày tỏ băn khoăn việc đình chỉ, xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị thực hiện việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký các chất dạng thuốc phiện thay thế về điều trị cai nghiện.
"Thực tế có những trường hợp ban đầu không đăng ký, khi các cơ quan đang lập hồ sơ, xác định người nghiện thì cha mẹ thương con lại thực hiện đăng ký đi cai nghiện, nếu được đình chỉ thì phí bao công sức của cán bộ bỏ ra, đồng thời là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng", Thiếu tướng Lê Tấn Tới phân tích.