Hơn 22 triệu trẻ em sẽ được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ trong trường học
Cập nhật ngày: 11-02-2022
Chiều 10/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.
Cùng tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với Bộ GD&ĐT trong triển khai Chương trình và lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trên phạm vi cả nước.
Thông tin về chương trình sức khỏe học đường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.
Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả nước có trên 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với hơn 22 triệu trẻ em, học sinh chiếm khoảng 25% tổng dân số Việt Nam. Việc hơn 22 triệu trẻ em, học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn dành cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng của bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi.
Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ tăng cường cho đầu tư phát triển. Học sinh có sức khỏe tốt sẽ học tập và thành đạt hơn trên con đường học vấn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Đồng thời, đánh giá cao hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh. Trong đó, Bộ GD&ĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, chủ trì; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; rà soát để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện và công tác phối hợp; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp; phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng cũng đề nghị từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân.
Cũng trong khuôn khổ lễ công bố, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026; lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 -2026.