Mưa lũ ở Lai Châu: 31 người chết và mất tích, thiệt hại gần 500 tỷ đồng
Cập nhật ngày: 27-06-2018
 
Đến sáng nay, 27-6, tại Lai Châu đã có 18 người chết và mất tích. Thiệt hại do lũ gây ra khoảng gần 500 tỷ đồng. 38 xã bị mưa lũ chia cắt, cô lập. Địa phương này đang đối mặt với nhiều khó khăn...
 

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu cho biết thông tin, mưa lớn gây lũ quét trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã gây ra lũ quét, sạt lở đất, đá làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản.
 

Đã có 31 người bị chết, bị thương và mất tích; 244 nhà dân bị đất đá cuốn trôi hoặc sạt lở gây hư hỏng một phần; trên 600ha lúa, ngô, hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp hoặc lũ cuốn trôi… 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 45 trạm biến áp bị ảnh hưởng, gây mất điện tại 10 xã.

 
Nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở. 38 xã của Lai Châu đang bị chia cắt.
Ảnh: giadinh

Về thiệt hại tài sản, 128 ngôi nhà bị đất, đá trôi sạt vào trong nhà (39 nhà ở huyện Sìn Hồ, 81 nhà ở huyện Tân Uyên, 8 nhà huyện Than Uyên); 23 nhà, 3 lán tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn (2 nhà huyện Than Uyên; 4 nhà huyện Sìn Hồ; 4 nhà huyện Phong Thổ; 11 nhà huyện Tân Uyên), hàng chục hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.
 

Mưa lũ cũng đã làm 1 cầu treo, 1 cầu bê tông nội đồng huyện Than Uyên; 2 cầu treo, 2 cầu tạm huyện Tân Uyên bị lũ cuốn trôi. Một số tuyến quốc lộ bị sạt lở nặng nề gây tắc nghẽn giao thông như Quốc lộ 4D tại Km71-Km85 đoạn qua bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 tại Km356-Km378; Quốc lộ 279 đoạn Km162+200; Quốc lộ 4H đoạn Km190-Km354.

 
Lũ làm thiệt hại gần 500 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, vào lúc 9h ngày 25-6, lưu lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu là 8.115 m3/s.  Do vậy, thời gian tới hồ Lai Châu sẽ vận hành xả lũ, lưu lượng xả dự kiến lớn nhất xấp xỉ 8.000 m3/s. Thực hiện quy trình điều tiết hồ chứa, thủy điện Lai Châu vận hành mở 1-5 cửa xả mặt, 2 cửa xả đáy lúc 13h chiều nay.
 

Trong lúc nước đổ về các hồ chứa thủy điện Lai Châu, Tuyên Quang vẫn lên cao thì lưu lượng về các hồ Bản Chát, Sơn La có dấu hiệu giảm nhiệt. Các hồ chứa thủy điện tại đây vận hành bình thường, không xả lũ. Hồ Bản Chát đạt đỉnh 6.685m3/s lúc 13h45 ngày 24-6; hồ Sơn La đạt đỉnh 7523m3/s lúc 0h00 ngày 25-6.
 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lai Châu

Sáng qua, 26-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại Lai Châu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các tỉnh, nhất là tỉnh Lai Châu - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua. Đồng thời, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, tập trung huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích.

Rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng.

Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu, không để thiệt hại đáng tiếc về người. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ; chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân...


Theo: cand.com.vn