Các hành vi “giật dây”, “ném đá giấu tay” này vừa tinh vi, vừa nham hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn và kiểm soát sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Ai cũng thấy rõ không khí sinh hoạt dân chủ ở nước ta ngày càng được thể hiện rõ nét, sinh động. Đặc biệt là tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa qua, lần đầu tiên các phiên chất vấn đã được phát trực tiếp trên sóng truyền hình và đài phát thanh – một việc không phải quốc gia dân chủ nào cũng làm được.
Trong khi đó, thông qua rất nhiều kênh (kể cả kênh mạng xã hội), Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo luật đã rất cởi mở lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân sĩ, trí thức và người dân cả nước.
|
Một số đối tượng quá khích lôi xe máy từ cơ quan công quyền ra đốt phá. |
Khi nhận thấy có những điểm bất cập, chưa hợp lý, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động lùi thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Lợi dụng bầu không khí dân chủ đó, các đối tượng chống phá đã tìm cách xúi giục, mua chuộc người dân xuống đường, phá hoại tài sản, tấn công vào các cơ quan công quyền, làm đình trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cản trở đời sống dân sinh.
Trong các cuộc tụ tập gây rối vừa qua, đã có những đồng tiền được giúi cho người dân để họ xuống đường. Đã có một số đối tượng giả danh là Cảnh sát bị bắt giữ. Đã có những chai xăng được tuồn ra để ném vào xe công vụ, đốt phá trụ sở, tấn công lực lượng chức năng.
Chỉ riêng tại huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các đối tượng quá khích đã chặn ngang quốc lộ, đốt cháy 16 chiếc ôtô các loại, chủ yếu là xe của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, dùng gạch đá, gậy gộc tấn công làm 60 chiến sĩ Cảnh sát bị thương.
Thiệt hại về sức khỏe và tiền bạc không chỉ có những người thi hành công vụ và chính quyền phải gánh chịu. Trong các vụ tụ tập gây rối năm 2014, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam ở các tỉnh miền Trung và miền Nam đã bị đám đông quá khích lợi dụng để đình công, phá hoại nhà xưởng, cướp bóc tài sản.
Hậu quả là các công ty này bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Bản thân những công nhân bị kích động tham gia biểu tình cũng bị mất việc làm. Đời sống của người dân vùng lân cận bị đảo lộn. Nhìn rộng ra cả nền kinh tế, khi một đất nước không còn hòa bình, ổn định, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có còn dám bỏ tiền vào đầu tư? Thiệt hại lúc đó sẽ vô cùng lớn và đây cũng là điều mà những kẻ đứng sau “giật dây” muốn nhìn thấy.
Đối với các cá nhân trực tiếp tham gia gây rối, hậu quả với họ là sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Đơn cử là trường hợp đối tượng Trương Hữu Lộc (sinh năm 1961, ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), ngày 14-6 vừa qua đã bị khởi tố về hành vi “phá rối an ninh”.
Liên tục trong nhiều ngày, Lộc lên mạng xã hội để kêu gọi, kích động người dân xuống đường biểu tình, gây rối, tham gia lật đổ chính quyền nhân dân. Cùng với Lộc, Công an TP Hồ Chí Minh cũng bắt giữ và xử lý hơn 300 đối tượng khác, trong đó tạm giữ hình sự 7 đối tượng có liên quan đến các tổ chức lưu vong nước ngoài chuyển tiền về trong nước để kích động người dân chống phá nhà nước.
Tuy nhiên, mục đích của các thế lực thù địch không chỉ dừng lại ở gây rối an ninh trật tự, mà thâm hiểm hơn còn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động chiến tranh, gây suy yếu và tiến tới lật đổ chính quyền.
Trong những ngày vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện liên tục các video clip xuyên tạc Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó nói xấu rằng: “Đảng, Chính phủ bán đất tại ba vị trí chiến lược là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho Trung Quốc với thời hạn 99 năm”.
Bám vào luận điệu này, chúng lôi kéo người dân xuống đường hòng tìm cách tạo ra những “đốm lửa nhỏ” bằng bất cứ thủ đoạn hèn hạ nào, từ tạo tình huống để kích thích đám đông, đến đóng giả cảnh sát để thừa cơ tấn công dân thường.
Trong số đám đông vừa qua ở Bình Thuận có cả những cặp vợ chồng bồng bế con nhỏ đi ngang qua vô tình đứng xem, chỉ cần bị một “ai đó” kích động, tấn công là lập tức sự giận dữ của đám đông sẽ được thổi bùng lên. Cũng vậy, các chiến sĩ Cảnh sát chỉ cần một chút thiếu kiềm chế trước bạo lực là sẽ bị lấy làm cái cớ để vu oan cho chính quyền.
Đương nhiên, sau đó sẽ có một tổ chức quốc tế núp bóng nhân quyền nào đó “lên tiếng”. Các “đốm lửa” sẽ lan ra tấn công vào chính quyền, vào chế độ hợp hiến. Những chiêu bài cũ mèm này từng được các lực lượng đối lập, với sự hậu thuẫn của phương Tây áp dụng thành công ở một số nước Đông Âu, Trung Đông…
Sự kết hợp giữa chiến lược “diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” được giật dây từ bên ngoài đã đẩy các quốc gia này vào tình trạng chiến tranh liên miên, “nồi da nấu thịt”.
Trong những đợt kích động biểu tình gây rối vừa qua ở Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, các âm mưu, thủ đoạn nói trên đã bị chính quyền và đông đảo người dân yêu nước vạch mặt, ngăn chặn kịp thời.
Nguồn cand.com.vn