CÔNG AN BẠC LIÊU
Sát thực tiễn, sát dân, hành động quyết liệt để phát triển đất nước
Cập nhật ngày: 4-05-2018, lượt xem: 65
Ngày 3-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh những thách thức đối với nền kinh tế mà các thành viên Chính phủ và các địa phương cần nhận thức được để có biện pháp ứng phó, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thủ tướng cho rằng, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng từ 6,5% đến 7,1%, nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tác động từ diễn biến thị trường thế giới như giá dầu tăng, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn. Trong đó, Trung Quốc mới đây đã công bố mở cửa toàn bộ các lĩnh vực cho nhà đầu tư.

Về tình hình trong nước, Thủ tướng đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi như niềm tin của người dân và nhà đầu tư được nâng lên; cho rằng đây là điều kiện quan trọng và cần nâng cao hơn nữa niềm tin của xã hội để thực hiện cho được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay, đạt tăng trưởng từ 6,5% đến 6,7%. Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu thực tế đáng lo ngại là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; nền kinh tế dễ bị tổn thương; mức độ thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chưa đổi mới và quyết liệt trong công việc, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm...

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tư lệnh ngành cần phải nhận thức rõ trách nhiệm trước Ðảng, nhân dân, sát thực tiễn, sát dân, kịp thời ứng phó với biến động trong nước và quốc tế để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cục, vụ, chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải mạnh mẽ hơn trong hành động để đóng góp cho đất nước; cần sớm chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa còn lạnh" bởi thực tế nhiều nhà đầu tư còn phàn nàn về bộ máy công chức. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính rà soát lại để bảo đảm kỷ cương hành chính, tránh tiêu cực; các bộ, ngành phải công khai, minh bạch giá thị trường, tài sản công và đất đai, rà soát để không thất thoát tài sản nhà nước. Sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức một số hội nghị về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, gắn FDI với kinh tế trong nước..., do vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chuẩn bị tốt để mang lại hiệu quả cao, xử lý các vướng mắc trong thực tế.

Về các giải pháp lớn thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và lạm phát không quá 4%. Do đó phải kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ y tế, giáo dục, các mặt hàng thiết yếu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu này, thực hiện tốt kiểm soát tiền ảo, tránh gây bất ổn.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư, trong đó sớm kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Ðầu tư công. Phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh công tác thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước. Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình kế hoạch đưa hàng Việt Nam vào siêu thị mạnh hơn nữa cùng với việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Về cổ phần hóa, thoái vốn, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện theo kế hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu chấn chỉnh ngay việc trao giải thưởng cho các doanh nghiệp, thương hiệu bởi nếu không kiểm soát tốt có thể bị lợi dụng làm trái như tình trạng thuốc chống ung thư giả bằng than tre vừa qua. Ngành y tế chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát trong mùa hè; nghiêm trị hành vi bạo lực đối với cán bộ y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm. Bộ Giáo dục và Ðào tạo rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học...

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thận trọng với vấn đề xăng RON 95

Chung quanh vấn đề xăng RON 95, Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng đầu năm 2018, xăng E5 RON 92 đã đạt tỷ lệ tiêu thụ 42%, RON 95 đạt 58%. Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về việc "khai tử" xăng RON 95, chuyển sang bán E5 RON 95, Bộ Công thương cho rằng cần phải xem xét kỹ. Hiện nay, cồn E100 - nguyên liệu được dùng để phối trộn, tạo thành các loại xăng E5 đang được chỉ một doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp. Do đó, phải xem xét kỹ việc khi chuyển sang bán E5 RON 95 thì liệu có đủ nguyên liệu E100 để sản xuất xăng hay không; giá có cạnh tranh không. Việc chuyển sang dùng xăng E5 mang lại nhiều ích lợi, nhưng cũng phải bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường để không làm tăng giá thành xăng sinh học. Bộ Công thương sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ đúng tình hình thực tiễn để đưa ra chỉ đạo, bảo đảm an ninh năng lượng, sản xuất, kinh doanh cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Tăng cường bảo đảm an toàn trong thanh toán điện tử

Về việc khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bị mất tiền do tin tặc đánh cắp thông tin thẻ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Agribank hiện đã hoàn trả toàn bộ số tiền bị mất cho tám khách hàng và sẽ trả nốt tiền cho bốn khách hàng còn lại sau khi rà soát kỹ. NHNN luôn coi công tác tăng cường bảo đảm an toàn trong thanh toán điện tử nói chung, bằng thẻ tín dụng nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm nhiệm vụ này, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân và khách hàng khi xảy ra sự cố.

Xem xét kỹ lưỡng việc quy hoạch sân gôn

Về việc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) phê duyệt hàng loạt quy hoạch sân gôn, Thứ trưởng KHÐT Lê Quang Mạnh cho biết, việc quy hoạch các sân gôn đã được Bộ xem xét kỹ lưỡng trong thời gian dài, bảo đảm đúng các quy định pháp luật. Về dài hạn, sân gôn sắp tới sẽ được quản lý theo điều kiện kinh doanh chứ không còn theo hình thức quy hoạch. Bộ KHÐT đã đề xuất Chính phủ xây dựng một nghị định, đưa ra các quy định và tiêu chí cụ thể cho loại hình kinh doanh sân gôn.

Không lo vỡ quỹ BHXH

Ðại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, quá trình xây dựng Ðề án nâng tuổi nghỉ hưu phải cân nhắc đến rất nhiều yếu tố như kinh tế, lao động, tỷ lệ thất nghiệp, việc làm… chứ không chỉ quan tâm riêng việc bảo đảm cân đối thu chi quỹ BHXH. Do đó, chắc chắn không có chuyện nâng tuổi nghỉ hưu là do lo vỡ quỹ BHXH cũng như chắc chắn không có chuyện đến năm 2025 sẽ xảy ra việc mất cân đối thu chi quỹ BHXH.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tính đến ngày 20-4 ước đạt 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so cùng kỳ năm 2017, nhưng giải ngân tăng cao, ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Tính chung bốn tháng qua, cả nước có hơn 41,2 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký ước đạt 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2017 (6,6%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 70,37 tỷ USD, tăng 10,1%.


Nguồn nhandan.com.vn
Các tin khác