CÔNG AN BẠC LIÊU
Ngăn chặn kinh doanh tiền ảo theo kiểu đa cấp
Cập nhật ngày: 12-04-2018, lượt xem: 53
Những ngày qua dư luận xã hội khá ồn ào về việc một công ty cổ phần bị nhiều người dân cáo buộc chiếm đoạt một số tiền lớn từ cách thức kinh doanh kiểu đa cấp đối với “tiền ảo”, thông qua các thủ đoạn: tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện quảng cáo “tiền ảo” là sản phẩm công nghệ thời thượng; buộc nhà đầu tư phải mua số lượng iFan có giá trị 1.000 USD và kích thích họ bằng lời hứa trả lợi nhuận cao bất thường, từ 48% đến 60%/tháng, cộng hưởng thêm hoa hồng (từ 1% đến 8%), nếu mời gọi được người khác tham gia đầu tư; liên tục thông báo về kỷ lục huy động vốn và các khoản thưởng định kỳ; thay đổi phương thức trả lãi từ bằng tiền mặt, sang “tiền ảo” và chỉ giao dịch trực tuyến, với phần mềm “an toàn”, giảm khả năng bị truy xuất nguồn gốc…

Thực tế đã cho thấy, kinh doanh “tiền ảo” luôn chứa đựng sự rủi ro từ nhiều phía, cả về khía cạnh pháp lý, về công nghệ và về tổ chức thị trường. Rủi ro về mặt pháp lý trước hết gắn liền với xuất thân của “tiền ảo”. Ngay việc gọi những “sản phẩm kỹ thuật ảo”, như iFan và Pincoin, hay Bitcoin (và hàng nghìn sản phẩm kỹ thuật ảo tương tự có tên gọi khác) là “tiền ảo” cũng không đúng, dễ gây hiểu lầm, sự ngộ nhận và lạm dụng. Bởi lẽ, chúng chỉ là sản phẩm công nghệ thuần túy và đều không phải là đồng tiền đúng nghĩa, không được công nhận có đủ các chức năng tiền tệ là thước đo giá trị, công cụ thanh toán, trao đổi, phương tiện lưu thông và cất trữ.

Chúng không do một Chính phủ, nhà nước quốc gia nào phát hành, cho nên không đủ tư cách pháp lý và không được nhà nước bảo hộ như một đồng tiền quốc gia và quốc tế. Một số nước không cấm việc giao dịch các sản phẩm này vì cho rằng đó là nhu cầu tự do chứ không có nghĩa họ công nhận chúng như một đồng tiền. Ở Việt Nam, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp lệ (gồm cả các loại “tiền ảo”) có thể bị phạt hành chính từ 150 đến 200 triệu đồng. Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1-7-2016, các loại “tiền ảo” không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại “tiền ảo” làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Thậm chí, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Những người sở hữu "tiền ảo" cũng không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận.

Bởi vậy, nhà đầu tư không chỉ chịu mọi rủi ro, mà bản thân các cơ quan chức năng cũng khó giải quyết những tranh chấp đa dạng, gắn với lừa đảo và trục trặc kỹ thuật khác có thể xảy ra trong thực tế kinh doanh “tiền ảo”. Việc gặp phải những rủi ro về mặt kỹ thuật là không thể tránh và sẽ ngày càng có nguy cơ cao đối với các đồng “tiền ảo”, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, “tay nghề” của tin tặc và tội phạm mạng. Rủi ro còn đến từ việc “tiền ảo” sớm mất giá do liên tục xuất hiện những đồng “tiền ảo” mới, hấp dẫn hơn “tiền ảo” cũ. Chưa kể, tổ chức giao dịch và kinh doanh các đồng “tiền ảo” luôn chứa đựng những rủi ro thị trường và rủi ro đạo đức.

Do tính bất hợp pháp hoặc không được khuyến khích, cũng như sự phức tạp và bí mật công nghệ cao, các “sân chơi tiền ảo” thường chỉ được thiết kế kiểu ăn xổi, chịu sức ép của hoạt động đầu cơ và mục tiêu kinh doanh chụp giật, trong khi thiếu các cơ chế giám sát an toàn, vì thế thường trồi sụt với biên độ lớn và tồn tại trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư càng chịu rủi ro cao hơn khi phải thụ động và phụ thuộc năng lực và đạo đức công nghệ cũng như mục đích kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức thị trường, do không được biết và càng không thể kiểm soát cơ chế “đào và giao dịch tiền ảo” trên thị trường ảo…

Đặc biệt, khi thị trường “tiền ảo” được tổ chức theo mô hình kinh doanh đa cấp, thì rủi ro sẽ nhân lên gấp bội, là rủi ro kép, bất thường và khó lường hơn. Bởi khi đó, sự cộng hưởng các rủi ro cố hữu của kiểu kinh doanh đa cấp biến tướng (phải trả lãi cam kết cao hơn so với lợi nhuận kinh doanh thông thường và lấy tiền người này trả người khác), với các rủi ro pháp lý, kỹ thuật, vốn có của “tiền ảo” tạo nên nhiều cái bẫy bủa vây nhà đầu tư.

Bởi vậy, không chỉ người dân tự cảnh tỉnh, mà việc chủ động nhận diện, cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ những rủi ro và bẫy lừa đảo, nhất là rủi ro trong mô hình kinh doanh “tiền ảo” gắn với đa cấp biến tướng, tăng cường thông tin và quản lý thị trường tiền tệ cần trở thành nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước, để bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ, trật tự và an toàn xã hội nói chung.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác