Gần 100 đại biểu tham dự hội thảo.
Đây là nhận định của các nhà ngoại giao, chính trị cùng các nhà nghiên cứu và chuyên gia tại Hội thảo "Quan hệ Pháp - Việt Nam" được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á ở Paris ngày 9-4. Là những người dành nhiều năm để nghiên cứu và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, các đại biểu đã dành nhiều giờ để đánh giá những giai đoạn hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất để mối quan hệ truyền thống này hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai tuần sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu cho rằng mối quan hệ giữa hai nước luôn cuốn hút nhau trên nhiều lĩnh vực hợp tác, từ chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa cho đến con người. Điều này đã được lãnh đạo hai nước khẳng định trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 3 vừa qua. Vì vậy đây là một chuyến thăm lịch sử, mở ra cơ hội mới trong quan hệ song phương.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp nhắc lại những lời phát biểu của lãnh đạo hai nước rằng, quan hệ giữa hai nước là cả một sự chân tình và lịch sử này đã tạo nên những câu chuyện huyền thoại... Thực tế cho thấy Pháp có vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong nhiều năm qua, không chỉ là nhà tài trợ song phương hàng đầu ở châu Âu cho Việt Nam mà còn là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Trong chuyến thăm vừa qua của lãnh đạo cao nhất Việt Nam tới Pháp, hai bên đã trao đổi về các phương hướng và biện pháp nhằm xác lập khuôn khổ, định hướng và tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới. Điều đó cho thấy lãnh đạo hai nước có chung quyết tâm đưa quan hệ hợp tác sang một giai đoạn phát triển mới.
Bà Stéphanie Đỗ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp cho rằng, quan hệ giữa hai nước đã phát triển sang một giai đoạn mới kể từ khi ký kết đối tác chiến lược. Nhiều hợp đồng kinh tế đã được ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì vậy hai nước cần tận dụng những cơ hội trong thời gian tới để phát huy lợi thế của Pháp trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu... và sự năng động trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Để thực hiện những mục tiêu do lãnh đạo hai nước đã đề ra nhằm đưa quan hệ song phương sang một giai đoạn mới, bà Stéphanie Đỗ nhấn mạnh rằng vai trò của các nhà nghiên cứu, học giả cũng như nhân dân hai nước là rất quan trọng trong việc đưa ra những ý kiến hay đề xuất nhằm góp phần thắt chặt quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.
Các đại biểu có chung nhận xét rằng, hợp tác kinh tế song phương chưa xứng tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp. Vì Pháp mới chỉ chiếm 1% trao đổi thương mại của Việt Nam. Năm 2017, trao đổi thương mại đạt 4,62 tỷ USD và Pháp chỉ đứng thứ 5 trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Claude Blanchemaison, thống đốc Pháp tại Quỹ Á-Âu, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, cần phê chuẩn và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ngay từ năm tới, nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp châu Âu. Lý do là vì môi trường Việt Nam rất cạnh tranh và Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Các doanh nghiệp Pháp cần phải cố gắng và có bước đi cụ thể hơn mới tiếp cận và có vị trí vững chắc ở thị trường 100 triệu dân này.
PGS, TS Dương Văn Quảng, cựu Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, nhận xét: Như chúng ta đã biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam vào năm tới. Từ nay đến đó chúng ta phải cụ thể hóa những thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước đã thống nhất với nhau. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước, đặt nền móng cụ thể, những bước đi cụ thể trong quan hệ giữa hai nước. Năm tới, trong chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam hy vọng sẽ cụ thể hóa những cam kết bằng những dự án cụ thể, bước đi cụ thể trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.
Theo PGS, TS Dương Văn Quảng, Việt Nam và Pháp có nhiều thế mạnh trong quan hệ, nhưng cần có những bước đi hay giải pháp cụ thể để hợp tác giữa hai nước được năng động và hiệu quả hơn. Hiện nay, thế giới và khu vực đều thay đổi, các nước khác cũng vậy, vì thế phải có cái nhìn mới, ý tưởng mới trong quan hệ song phương. Hai nước cần có những dự án kinh tế lớn, cần xác định rõ thị trường Việt Nam cần gì ở Pháp và thị trường Pháp cần gì ở Việt Nam.
Về góc độ chính trị, ngoại giao và kinh tế trong quan hệ giữa hai nước, các diễn giả Pháp và Việt Nam đều cho rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp ở khu vực Đông - Nam Á đang phát triển năng động. Là một nền kinh tế năng động với thị trường hơn 90 triệu dân, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, Pháp có thể giúp Việt Nam thiết lập quan hệ toàn diện với EU. Pháp có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực quốc phòng, khoa học và công nghệ, đào tạo và nghiên cứu, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn toàn tương thích với nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam.
Có nhiều cơ hội cho hai nước tăng cường quan hệ nhiều mặt trong thời gian tới. Pháp đang đóng một vai trò ngày càng lớn ở châu Âu và trên thế giới, còn Việt Nam đang có những bước phát triển rất năng động trong khu vực Đông - Nam Á. Vì vậy, hai nước cần hợp tác chặt chẽ để xác định những cơ hội và thách thức vì sự hợp tác hiệu quả, cùng phát triển.
Nguồn nhandan.com.vn