Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; một số thành viên Chính phủ và 600 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu nêu nhiều ý kiến phản ánh trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng về những vấn đề lớn, quan trọng và còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp nông thôn hiện nay, tập trung vào những vấn đề lớn như: thị trường cho nông sản và vốn cho nông nghiệp; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp, lao động nông thôn và hỗ trợ ngư dân bám biển; quy hoạch nông thôn, công nghệ nông nghiệp và đất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới và văn hóa nông thôn.
Đại diện Công ty Hưng Việt đặt câu hỏi tại buổi đối thoại.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt hơn nữa vai trò của người nông dân trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 30 năm đổi mới đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một nền nông nghiệp manh mún lạc hậu, thiếu thốn, hết sức khó khăn, đến nay nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp đã dư thừa năng lực sản xuất. Chúng ta đã hướng tới ngành nông nghiệp chất lượng cao, ít gây ô nhiễm môi trường; đã đẩy mạnh xuất khẩu sản lượng lớn lương thực, thủy sản, thực phẩm và nhiều loại trái cây mang tính cạnh tranh với nhiều nền nông nghiệp tiên tiến. Hội nghị hôm nay cũng là sự khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một mặt trận quan trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước muốn thành công thì các bộ, ngành T.Ư cũng như các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các cấp, các ngành, địa phương cần có tầm nhìn lâu dài và bền vững cho phát triển nông nghiệp nông thôn; quan tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, gắn liền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bảo đảm an ninh nông nghiệp quốc gia.
Chú trọng xây dựng nông thôn mới gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và đời sống vật chất cho nông dân. Các vấn đề nảy sinh trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần phải giải quyết đồng bộ; giải quyết tốt việc khiếu nại tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường bình yên, ổn định cho mọi người dân.
Quan tâm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, hiệu quả; phát huy thế mạnh của từng vùng miền, các địa phương, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; giao nhiệm vụ một số bộ, ngành T.Ư nghiên cứu tìm cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; các địa phương cần phát triển mô hình các HTX kiểu mới; tạo môi trường tốt gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi tại buổi đối thoại.
Tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạn chế và khắc phục tối đa tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp. Muốn vậy phải làm tốt công tác thông tin thị trường giúp nông dân để giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường dân chủ, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương, nhất là vai trò của hội nông dân để động viên, hỗ trợ nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất và phát huy trí tuệ sáng tạo của nông dân.
Các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và các địa phương cần quan tâm nghiên cứu, cải tiến thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vốn, về đất đai, về môi trường để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giúp nông dân phát triển sản xuất năng động, hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành T.Ư sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa nông nghiệp nông thôn; quan tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng thời nhận thức rõ những vấn đề còn bất cập để tìm các giải pháp giải quyết.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà 30 nông dân tiêu biểu; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng quà 20 nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng cũng đi thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu và tặng quà gia đình chính sách ở tỉnh Hải Dương.
Thủ tướng tặng quà cho 30 nông dân tiêu biểu tham dự cuộc đối thoại.
* Sáng cùng ngày, trước khi dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, tặng quà gia đình thương binh Trần Quốc Hanh ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; thăm cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản rau củ quả Hưng Việt - mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của nông dân tỉnh Hải Dương, là đơn vị đầu tiên trong vùng làm hoàn chỉnh các khâu từ trồng, thu mua, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương về thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quý I-2018 và định hướng phát triển những năm tiếp theo.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận một số thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, yếu kém mà tỉnh cần phải khắc phục trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cần nghiêm túc nhìn nhận những bất cập, khuyết điểm và sự tụt hậu. Hải Dương vẫn tự hào là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về nguồn nhân lực, vị trí địa lý… nhưng phát triển kinh tế lại ở dưới mức tiềm năng. Nhiều lợi thế của Hải Dương trước kia như cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, nguồn nhân lực không phát huy được và có nguy cơ tụt hậu dần theo thời gian…
Đề cập các chủ trương, giải pháp để Hải Dương phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, nhất là lãnh đạo tỉnh cần phải có quyết tâm chính trị cao hơn, cần có ước mơ cao hơn, khát vọng mạnh mẽ hơn. Cần phải xây dựng một chính quyền kiến tạo, phát triển có ý chí; cần suy nghĩ sâu sắc chiến lược trở thành tỉnh công nghiệp có các chỉ số: minh bạch, cạnh tranh, năng động, bình đẳng phát triển tốt nhất. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, phát triển không gian đô thị hiện đại và phát triển tốt du lịch theo chuỗi giá trị. Củng cố nền tảng xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết tốt các mâu thuẫn xã hội. Tỉnh phải đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Nguồn nhandan.com.vn