Thảo luận hai dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và An ninh mạng
Cập nhật ngày: 5-04-2018
 
Ngày 4-4, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách thảo luận hai dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) và Luật An ninh mạng.
 

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, việc lựa chọn hai dự án luật nói trên để thảo luận tại hội nghị lần này dựa trên cơ sở kết luận các phiên họp của Ủy ban TVQH và ý kiến đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Đây là hai dự án luật mới, quan trọng, được các đại biểu QH và cử tri rất quan tâm. Nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp, trong thời gian vừa qua, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan tổ chức hữu quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp thứ tư, các chuyên gia, các Đoàn đại biểu QH chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Đối với dự án Luật ĐVHCKTĐB, nhiều đại biểu QH đánh giá đây là dự án luật khó, phức tạp, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Việc xây dựng dự thảo luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng một số ĐVHCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo sự tăng trưởng và tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các ĐVHCKTĐB. Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu khác như xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thu hút đầu tư, bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, các vấn đề chuyển tiếp bộ máy hiện hành với bộ máy mới của đặc khu...

Các đại biểu quan tâm nhiều nội dung về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; về ngân sách, ưu đãi đầu tư; về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu... Dự thảo luật sau khi được chỉnh lý gồm sáu chương, 88 điều. Tên gọi của dự thảo luật được bổ sung cho phù hợp phạm vi điều chỉnh là “Luật ĐVHCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý bảo đảm phù hợp quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị T.Ư 11 (khóa XI) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Một số đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến việc tổ chức cấp chính quyền địa phương. Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, nhất là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của T.Ư đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của ban này không trùng lặp chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu...

Dự thảo luật quy định một chương về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm và do Thủ tướng quyết định. Một số đại biểu cho rằng, thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, quan trọng nhất phải minh bạch trong đầu tư. Ngoài ra, đề nghị phải xem xét thận trọng việc giao đất, thời gian cho thuê đất dài, vì ba địa danh dự định thành lập đặc khu đều ở vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh...

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật An ninh mạng. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các quy định về thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng trong dự thảo luật do Chính phủ trình chưa rõ ràng, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây phiền hà cho các cơ quan chủ quản. Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH thấy rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia rất cần thiết, nhất là các biện pháp thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát.

Để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch và khả thi của các quy định về thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn về hoạt động thẩm định an ninh mạng (Điều 11); hoạt động kiểm tra, đánh giá an ninh mạng (Điều 12); hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 13)...

Nguồn nhandan.com.vn