Hà Nội gặp mặt Ban liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu
Cập nhật ngày: 17-08-2017
 
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sáng 16-8, Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt Ban liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu. Tới dự có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
 


Lãnh đạo TP Hà Nội gặp mặt Ban liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu. Ảnh: THANH HẢI

Trong không khí thân mật, xúc động, các đồng chí lãnh đạo thành phố và các vị lão thành cách mạng cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng của Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. 72 năm đã qua, hàng trăm chiến sĩ Việt Minh năm xưa nay chỉ còn hơn 80 người... Tại buổi gặp mặt, đại diện Ban liên lạc đề nghị thành phố quan tâm, sớm quyết định việc đặt tên đường phố Cách mạng Tháng Tám, xây dựng tượng đài Ðộc lập để ghi lại chiến công oanh liệt, sự hy sinh anh dũng của quân, dân Thủ đô; nghiên cứu, có hình thức khen thưởng đối với những gia đình đã góp công, góp của vào thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo thành phố bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự tri ân của Ðảng bộ chính quyền thành phố đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và sự phát triển của đất nước. Nhấn mạnh tinh thần và gương sáng của mỗi đoàn viên Ðoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu sẽ mãi là nguồn động viên các thế hệ người Hà Nội hôm nay sống, lao động, làm việc và học tập xứng đáng với lớp cha anh đi trước, đồng chí kính chúc các vị lão thành cách mạng mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Ðồng chí Hoàng Trung Hải vui mừng báo cáo những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội mà thành phố đạt được từ đầu năm đến nay nhờ tinh thần quyết liệt, sâu sát đổi mới phương thức lãnh đạo chỉ đạo điều hành. Ðồng thời trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu của các vị lão thành cách mạng cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô; giao các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết đề xuất của Ban liên lạc về đặt tên đường phố Cách mạng Tháng Tám, xây dựng tượng đài Ðộc lập và công tác thi đua khen thưởng.

* Trên cơ sở đánh giá thực trạng việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, thực hành văn hóa, trình độ dân trí, văn học - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế, ngày 26-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Ninh Bình có 90% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 95% số làng, phố, thôn, bản và 85% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; có 95% số cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp lý luận chính trị trở lên. Tỉnh cũng đề ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất cả nước; 95% lao động qua đào tạo; thu hút, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành văn hóa, văn nghệ tăng 3 đến 5% qua các nhiệm kỳ; xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa; 90% di tích cấp quốc gia và 85% di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo.

Nguồn nhandan.com.vn