Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức
Cập nhật ngày: 1-08-2017
 
LTS - Tại tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, Nhật Bản) tổ chức nhân dịp 50 năm thành lập ASEAN, khoảng 200 đại biểu trong nước và ngoài nước đã đánh giá, phân tích về cơ hội và thách thức của AEC. Sau đây là một số ý kiến trả lời phỏng vấn báo chí của đại biểu dự tọa đàm.
 

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng:

Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN, được thiết kế nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong khối tiếp cận bốn yếu tố chính, gồm vốn, công nghệ, thị trường và lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam có phần đi sau các doanh nghiệp một số nước ASEAN trong việc tận dụng những cơ hội mà AEC mang lại. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về tiềm lực hội nhập kinh tế do kinh nghiệm và ngoại ngữ còn hạn chế. Theo tôi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội khi hội nhập AEC. Cơ hội mà AEC đem lại đồng đều cho các doanh nghiệp của ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập khu vực và thế giới để tạo sân chơi và điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, “sân chơi” AEC sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vững vàng hơn.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh:

ASEAN tiếp tục thực hiện chính sách đẩy mạnh hội nhập

Trong 10 năm qua, khu vực dịch vụ trong ASEAN được tự do hóa. Hội nhập khu vực của ASEAN có nhiều tiến triển. Hiện ASEAN là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hiệp định thương mại nhất và đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra không gian rộng lớn cho thương mại, đầu tư không chỉ trong khu vực Đông - Nam Á, mà còn cả khu vực Thái Bình Dương. ASEAN cũng đang thảo luận với Ca-na-đa về hình thành một hiệp định thương mại tự do; thảo luận với Cộng đồng kinh tế Á - Âu về khả năng hình thành một hiệp định thương mại tự do.

Trên thế giới đang xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch xuất phát từ một số nước lớn. Điều này đặt ra thách thức chung cho các nước ASEAN và Việt Nam. Mặc dù vậy, ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đẩy mạnh hội nhập, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong khu vực. Trong quá trình tham gia hội nhập khu vực, các doanh nghiệp cần chú trọng chuẩn bị lực lượng lao động lành nghề, có khả năng ngoại ngữ nhằm biến thách thức thành cơ hội.

Giáo sư H.Ni-si-mu-ra, Chủ tịch ERIA:

Động lực giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững

ASEAN trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập niên vừa qua; là thị trường lớn thứ ba và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam; là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD; là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.

Nền kinh tế ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, cho nên Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội trong mọi lĩnh vực khi hình thành AEC. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để mở rộng hoạt động tại thị trường ASEAN, như tiến hành đổi mới doanh nghiệp, đẩy mạnh tìm hiểu, nắm bắt thông tin về AEC. Việc nắm rõ tình hình của AEC nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập hiệu quả với khu vực, hướng ra thị trường toàn cầu.

Ông H.I-tô, Công ty Jetro (Nhật Bản):

Cầu nối thúc đẩy hợp tác thương mại Nhật Bản - ASEAN

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự hội nhập AEC ở mức độ cao. Theo tôi, vấn đề nằm ở thông tin. Để khắc phục hạn chế này, các doanh nghiệp cần kết nối, đối thoại với Chính phủ nhiều hơn, coi đây là “chìa khóa” dẫn đến thành công.

Các công ty Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp ASEAN, với mục tiêu ngày càng hợp tác sâu rộng, đa dạng và hiệu quả hơn. Họ cũng ngày càng hứng thú với thị trường Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam là một trong những thị trường thu hút giới đầu tư Nhật Bản nhiều nhất trong ASEAN. Chỉ riêng Jetro đã có hai văn phòng đại diện ở đây. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện, song Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đẩy mạnh hợp tác về thương mại, mà còn chú trọng kết nối giữa các địa phương hai bên. Các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động rộng rãi ở ASEAN và coi Việt Nam không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng, mà còn là cầu nối giúp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Nhật Bản và khu vực ASEAN.

Tiến sĩ X.Ma-ri-a thuộc ERIA:

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, động lực của AEC

Để giúp AEC hoạt động hiệu quả, bên cạnh những thuận lợi, các nước cũng có rất nhiều việc phải làm. Theo tôi, các chính phủ khu vực ASEAN cần có hệ thống chính sách và quy định giúp các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho nhiều công ty được thành lập và phát triển, qua đó, việc đầu tư kinh doanh ở các nước ASEAN cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đầu tư sẽ mang đến sự chuyển giao về công nghệ và tạo nhiều việc làm. Các chính phủ phải có các chính sách rõ ràng, cụ thể, thuận tiện và tạo một hệ thống quy định nhất quán trong toàn ASEAN.

Các chính phủ cũng cần làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện thuận lợi giúp họ thúc đẩy năng suất và sức sáng tạo bởi lực lượng này là động lực thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần kịp thời phản hồi đối với chính phủ để có những chính sách, luật lệ, quy định phù hợp. Đây cũng là cách giúp chính phủ quản lý cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.

Có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc ở các nước ASEAN như Lào, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Bru-nây…, tận dụng những cơ hội của AEC. Để hội nhập mạnh hơn, các doanh nghiệp cần gia tăng sự nhận biết về các cơ hội do AEC mang lại; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin; chú trọng vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp.


Nguồn nhandan.com.vn