.jpg)
Sản xuất muối ở Diêm Ðiền, xã Long Ðiền Tây, huyện Ðông Hải (Bạc Liêu). Ảnh: THANH CƯỜNG
Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch, như liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền, nhằm phát huy cao nhất giá trị sản phẩm du lịch của từng địa phương; tập trung chủ yếu vào ba khu vực chính là cù lao Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè và khu du lịch biển Tân Thành, kết hợp với du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh - Ðồng Tháp.
Ðể hoạt động quảng bá du lịch đạt hiệu quả hơn nữa, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, tổ chức hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo; thường xuyên cập nhật thông tin về tua, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch trên các website liên quan và thông tin kịp thời đến các đơn vị kinh doanh du lịch.
* Với quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tỉnh Bạc Liêu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các mô hình giảm nghèo.
Ðể thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập…, nhân rộng mô hình hợp tác xã để hỗ trợ hộ nghèo. Bạc Liêu triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút và giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án hỗ trợ xã bãi ngang ven biển…, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; lồng ghép Chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Năm 2016 là năm đầu Bạc Liêu thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo phương thức tiếp cận đa chiều. Qua một năm, toàn tỉnh giảm gần 5.900 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 15,55% xuống còn 12,24%. Năm 2017, Bạc Liêu phấn đấu giảm 2% số hộ nghèo; dạy nghề cho hơn 11 nghìn 300 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%; giải quyết việc làm cho hơn 18 nghìn người; vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội đạt 120 tỷ đồng…
Nguồn nhandan.com.vn