Có như vậy mới khắc phục được tình trạng như đánh giá nêu trong Dự thảo “Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thật đầy đủ sâu sắc”. Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới theo tinh thần của Dự thảo văn kiện.
Ngô Bá Du
(Khu tập thể Quân đội số 14A phố Lý Nam Đế, Hà Nội)
Đánh giá và có giải pháp khắc phục về cơ cấu nguồn nhân lực
Qua nghiên cứu bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, bản thân tôi nhất trí với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhất là nhận định “5 năm qua đã đạt được những thành quả quan trọng”. Theo tôi, đánh giá như vậy là khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, trong đánh giá về khuyết điểm, hạn chế có nêu “chất lượng nguồn nhân lực còn thấp” là quá ngắn gọn và chưa nêu đúng thực trạng.
Cần thấy rằng, lâu nay trong nhiều trường hợp khi bàn về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chúng ta vẫn nặng về phản ánh nguồn nhân lực còn thấp; tình trạng này khá rõ nét ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực của ta đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội... Do vậy, phần nội dung này cần đề cập thỏa đáng về hạn chế khi mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu nguồn nhân lực.
Tại Mục “V- đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực” cần bổ sung các nội dung, giải pháp khắc phục hạn chế trong cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo ra hiện nay. Các giải pháp khắc phục mà nhiều nước tiên tiến đã làm như khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực mà xã hội cần theo chu kỳ ba năm, năm năm hoặc xa hơn để định hướng cho đào tạo hoặc cơ cấu lại các cơ sở đào tạo, bảo đảm bám sát nhu cầu của xã hội…
TS Nguyễn Tuyết Mai
(Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Bảo đảm vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tại mục “XV-xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, chúng tôi nhất trí và tâm đắc với nội dung “tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đổi mới nội dung hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”.
Chúng tôi đề xuất, nội dung nêu trên trong bản Dự thảo nên xem xét, bổ sung nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng và bộ máy tổ chức của Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Vì đây là loại hình tổ chức đảng đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bất cập trong hoạt động lãnh đạo.
Mặt khác, nhiệm kỳ tới Đảng cần có chính sách, chế độ đặc thù không dựa vào doanh nghiệp để tổ chức đảng, đoàn thể ở đó khẳng định vai trò, vị thế lãnh đạo. Trung ương nghiên cứu, sớm xây dựng mô hình tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hợp lý, hoạt động hiệu quả ở doanh nghiệp ngoài nhà nước; bảo đảm tổ chức đảng ở các nơi đó phải trực tiếp lãnh đạo công đoàn và các đoàn thể chính trị-xã hội tại doanh nghiệp; lãnh đạo được phong trào công nhân và chăm lo bồi dưỡng cho giai cấp công nhân.
Phạm Thanh Hà
(Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai)
Nguồn nhandan.com.vn