Khung hạn chế chiều cao, tải trọng xe quá tải chạy trên đê.
Hiện, đê hữu sông Chu, đoạn từ K46+800 đến K46+894 và đoạn K48+060 - K48+092 thuộc địa bàn xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa xuất hiện nhiều vết nứt rộng 10 đến 15 cm, sâu 0,5 đến 1,5. Đê tả sông Chu, thuộc xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị sạt lở bãi đất sát chân đê phía thượng lưu kè Căng Hạ đoạn K18+844 - K18+994. Tại vị trí này xuất hiện ba cung sạt, trong đó cung lớn nhất dài 18m, sạt sâu vào bãi 1 đến 2 m, điểm gần nhất cách chân đê 10 m. Mặt đê bị vỡ, phát sinh những ổ gà tại các điểm thuộc xã Thiệu Vận, Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa đến xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân.
Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt đê thảm bê-tông chóng hư hỏng như nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu, sình lầy, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền yếu nên khi có mưa lũ dễ xảy ra sạt, trượt. Tình trạng xe ô-tô chở quá tải lưu hành trên đê, khai thác cát trái phép cũng khiến nhiều đoạn mặt đê chóng hư hỏng, gây sạt thân đê khiến vỡ, nứt mặt đê.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Thanh Hóa, các huyện có các tuyến đê chạy qua đã xây dựng 77 khung hạn chế phương tiện vận tải chở tải trọng lưu hành trên đê. Mặt khác các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng thi công các công trình xây dựng; tăng cường quản lý đê điều, bảo đảm kéo dài tuổi thọ của công trình đê điều khi đưa vào khai thác.
Nguồn nhandan.com.vn