Đại diện Viettel tham gia khai trương mạng in-tơ-nét cho 5.000 trường học ở Pê-ru.
Với bước đi táo bạo là nhanh chóng triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại đất nước Pê-ru, Viettel đã có các giải pháp quyết liệt “làm sau nhưng phải đón đầu công nghệ tiên tiến nhất”. Đó là công nghệ truyền dẫn cáp quang băng thông rộng và triển khai ngay dịch vụ truyền dữ liệu (DATA) trên mạng 3G. Đây chính là “gót chân Asin” của các Tập đoàn Viễn thông đã “cắm rễ” ở Pê-ru ngót 100 năm. Để tạo nên những bước phát triển nhảy vọt đó chỉ trong hai năm, Viettel đã rải 17 nghìn km cáp quang khắp đất nước Pê-ru, kỹ sư Luis Membrillo phụ trách kỹ thuật của Bitel cho chúng tôi biết: “Địa hình Pê-ru rất hiểm trở, núi cao, vực sâu - nhiều con sông hung dữ thời tiết khắc nghiệt, ban ngày có đủ bốn mùa, giữa trưa có thể nóng 38oC - 40oC nhưng ban đêm xuống còn 2oC -3oC”. Nhưng bản chất Viettel là khó mấy cũng vượt qua, khó mấy cũng thành công, hạ tầng khổng lồ ấy đã đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng Pê-ru. Nói như Thiếu tướng - Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: CNTT và viễn thông đã mang lại những tiện ích cho mọi người, dù là nước nghèo hay nước giàu, sự tiện ích mà công nghệ viễn thông đưa lại thật sự là động lực góp phần phát triển KT-XH ở các nước mà Viettel đầu tư.
Từ Thủ đô Li-ma, chúng tôi đến thành phố du lịch Cu-xcô (cách Li-ma 1.000 km) nơi có Ma-chu-pi-chu là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới. Cu-xcô là một Zon gồm nhiều tỉnh, thành phố, có chiều dài từ đầu Zon đến cuối Zon hơn 1.000 km nhưng chỉ vỏn vẹn
8 kỹ sư Viettel đảm nhiệm việc quản lý điều hành. Kỹ sư Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Bitel Cu-xcô chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới bán hàng và bảo hành dịch vụ hoàn chỉnh, anh em chúng tôi quản lý và điều hành 60 nhân viên người sở tại, mỗi cán bộ, nhân viên Viettel luôn sẵn sàng đến những nơi có sự cố để xử lý và giải quyết công việc bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất”.
Từ Cu-xcô đi thăm di sản quốc gia cánh đồng muối, dọc đường đi vượt qua bao dốc, bao đèo, chúng tôi nhìn thấy những hàng cây cột gỗ vững chãi nối tiếp nhau, cõng trên mình đường trục cáp quang của Viettel mà lan tỏa tới mọi vùng miền đất nước Pê-ru rộng lớn, kỹ sư Tuấn cho chúng tôi biết: “Các trụ gỗ này có tuổi thọ hàng trăm năm, nhập từ
Bra-xin sang, hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng”. Nhìn những hàng cột gỗ len lỏi vươn xa trên các cánh đồng, thảo nguyên mà lòng chúng tôi thêm cảm phục tinh thần làm việc cật lực, đầy quả cảm của các sĩ quan, CNQP và kỹ sư Viettel tại Pê-ru.
Đó là sự hy sinh của các bạn trẻ, họ đã gác lại niềm vui, hạnh phúc riêng tư để chăm lo cho việc lớn: Cắm cờ Viettel ở Nam Mỹ, như ý chí của lãnh đạo Tập đoàn Viettel. Chúng tôi đã gặp ở đây những tấm gương, như kỹ sư Vương quê ở Thái Bình, vừa cưới vợ xong đã cầm quyết định sang Pê-ru để phụ trách dự án đưa cáp quang đến hơn 5.000 trường học; kỹ sư Trương Vũ Sơn phụ trách tiếp thị truyền thông của Bitel hơn ba năm chưa về thăm nhà để lo công việc quảng bá thương hiệu Bitel đến hàng triệu người dân Pê-ru; kỹ sư Ngô Anh Đức, Giám đốc Chi nhánh Bitel ở tỉnh A-pui-Mác, một tỉnh miền núi cao của Pê-ru, nghe anh kể mỗi lần về họp ở Công ty phải đi ô-tô khách gần bốn tiếng đồng hồ, thêm năm, sáu tiếng chờ và đi máy bay mới về đến Thủ đô Li-ma...
Đến trụ sở Bitel ở Li-ma, từ xa, chúng tôi nhìn thấy lá quốc kỳ Việt Nam trên nóc tòa nhà tám tầng ốp kính uy nghi, diện tích 600 m2, trên trục đường chính ở trung tâm Thủ đô nước bạn. Đón chúng tôi, Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền cho biết: Đây là “doanh trại” của anh em tôi, nơi làm việc của 200 nhân viên Việt Nam và Pê-ru. Lãnh đạo Tập đoàn quyết định mua tòa nhà này từ năm 2013, giá lúc đầu chỉ 6 triệu USD, nay đã có Công ty bất động sản ướm hỏi và đặt giá đến gần
20 triệu USD.
Hôm đoàn báo chí Việt Nam sang cũng đúng vào dịp Bilel kỷ niệm một năm đưa mạng viễn thông vào hoạt động. Có đông đảo phóng viên báo chí, truyền hình Pê-ru đến dự và đưa tin. Phát biểu tại đây, ông Gôn-gia-lô Rui, Chủ tịch Tổ chức giám sát - quản lý viễn thông Pê-ru (Osiptel) nói: “Các bạn đã làm nên những bất ngờ và kỳ diệu chỉ trong một thời gian ngắn, xây dựng xong hạ tầng viễn thông hiện đại trải rộng khắp đất nước rộng lớn của chúng tôi. Người dân Pê-ru đã thụ hưởng mạng di động có chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất. Các bạn cam kết sẽ đưa in-tơ-nét đến gần 5.000 trường học trên khắp đất nước Pê-ru - các bạn đã nói và đã làm đúng như cam kết”.
Tại cuộc họp báo nhân sự kiện quan trọng này, Tổng Giám đốc Bitel Pê-ru Hoàng Quốc Quyền đã cam kết: “Cuối năm nay Bitel sẽ phủ sóng trên đỉnh núi khu du lịch Ma-chu-pi-chu trên độ cao 3.000 m và sẽ phủ sóng 4G toàn đất nước Pê-ru”. Ngày 15-10 vừa qua, Bitel kỷ niệm một năm ra mắt mạng di động Bitel để giới thiệu những kết quả sau một năm nỗ lực phấn đấu, mang lại những đổi thay, sự khác biệt cho người dân Pê-ru, nhất là ở vùng núi cao. Đặc biệt là học sinh các trường học trên xứ sở Inca.
Kết thúc cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền lại ra sân bay để đến Cu-xcô, từ đó đi ô-tô sang tỉnh A-cu-mác để chỉ đạo việc thi công cáp quang cho huyện vùng xa của Pê-ru. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quyền cho hay: “Năm 2016, Bitel sẽ phấn đấu có thêm hai triệu thuê bao mới. Năm 2017 sẽ có năm triệu thuê bao, nếu mỗi năm đạt tốc độ tăng trưởng 50% thì chỉ sau ba năm hoạt động, Bitel sẽ hoàn vốn và bắt đầu kinh doanh có lãi”.
Từ cách nghĩ, cách làm của Viettel ở Pê-ru, có thể khẳng định, ngoài những thị trường nhỏ có chỉ số GDP thấp, Viettel hoàn toàn đủ sức đấu thầu và thắng thầu ở các thị trường lớn, giàu tiềm năng - thị trường Pê-ru là một thí dụ.
Nguồn nhandan.com.vn