|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nghe đơn vị chức năng báo cáo tính hình bảo đảm an toàn bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Sáng 3/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng đã đến kiểm tra công tác an toàn bay tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 51 hãng hàng không (47 hãng nước ngoài, 4 hãng trong nước) khai thác thường xuyên.
Năm 2015, lượng hành khách đi/đến Tân Sơn Nhất đạt hơn 26 triệu lượt (đạt 113,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với năm 2014). Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 31/10, số lượng hành khách đi/đến đạt gần 27 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 9,752 triệu lượt, khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt. Dự kiến năm 2016, Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 32 triệu lượt hành khách.
Theo quy hoạch, với số lượng hành khách và hàng hoá đi/đến như hiện nay thì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang quá tải, từ nhà ga hành khách đến đường cất/hạ cánh, đường lăn và sân đỗ cho tàu bay.
Do đó, công tác an ninh, an toàn bay được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất luôn đặt lên hàng đầu.
Năm 2016, lực lượng kiểm soát an ninh tại Tân Sơn Nhất đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tất cả các chuyến bay đi/đến, trong đó có 106 chuyến bay chuyên cơ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ nước ngoài.
Qua công tác bảo đảm an ninh, lực lượng an ninh hàng không Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện 55.716 trường hợp hành khách mang vật cấm lên tàu bay; 90 trường hợp hành khách vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ; xử lý 8 trường hợp hành khách phát ngôn có bom và 48 trường hợp hành khách gây rối trật tự công cộng… Tất cả các trường hợp này đều được ngăn chặn kịp thời, không để hậu quả xấu phát sinh.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc tăng cường các biện pháp chống mất cắp, buôn lậu, gian lận thương mại.
Năm 2016, lực lượng kiểm soát an ninh đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi đối tượng khả nghi, qua đó phát hiện và bắt giữ 4 trường hợp trộm cắp tài sản; 7 trường hợp nhân viên nội bộ mang đồ vật không khai báo đúng quy định.
Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn hàng không được duy trì, bảo đảm tuyệt đối an toàn khu bay, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu hoạt động bay qua các cổng, cửa…
Đối với công tác an toàn tĩnh không, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Công an TPHCM triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác định nguồn chiếu tia lazer; tổ chức tuyên truyền văn hoá hàng không nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn hàng không; tổ chức diễn tập ứng phó với tình huống cháy nổ và tình huống khẩn nguy tàu bay; tổ chức tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; duy trì công tác ngăn ngừa chim xuất hiện trong phạm vi sân bay…
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu sau khi kiểm tra thực tế công tác an toàn bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành hàng không dân dụng, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan và TPHCM cũng như của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong công tác bảo đảm an toàn bay trong những năm qua, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Theo đó, thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao; thị trường hàng không quốc tế thu hút được nhiều hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác; đội tàu bay Việt Nam tăng nhanh, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Mức tăng trưởng của ngành hàng không hằng năm đều cao, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, ứng phó khẩn nguy được hoàn thiện, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã không để xảy ra tai nạn tàu bay trong suốt 18 năm qua, không có vụ việc uy hiếp đến an ninh, an toàn bay.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý từ một số sự cố liên quan đến an toàn bay có yếu tố con người (tổ bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, kiểm soát viên không lưu; việc tấn công an ninh mạng; hiện tượng chiếu tia lazer gây uy hiếp an toàn bay…) đã đặt ra vấn đề về tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng như chế tài xử lý nghiêm khắc, bởi đây chỉ là hiện tượng nhỏ nhưng nếu xảy ra sự cố thì hậu quả vô cùng lớn.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn an ninh của ngành hàng không là rất nặng nề. Do vậy, ngành hàng không cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi nhiệm vụ để tiếp tục phát triển, hoàn thành công việc được giao, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho từng chuyến bay.
Theo http://baochinhphu.vn/