Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11
Cập nhật ngày: 30-11-2016
 
Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 kết thúc chiều ngày 29/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức lúc 17h30 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
 

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong một ngày rưỡi (chiều 28/11 và cả ngày 29/11), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp tập trung vào hai nội dung lớn là công tác xây dựng thể chế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội 11 tháng.

Theo đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường biển, tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 6 triệu tấn, tăng 2,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,5% của tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 7,3%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% (cùng kỳ năm trước tăng 10,3%). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng tăng khoảng 9,5%, cho thấy sức mua và cầu đang có xu hướng tăng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng qua tăng mạnh ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2%).

Trong điều kiện hết sức khó khăn, xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, 11 tháng ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5%; trong đó nhóm hàng nông lâm thủy sản tiếp tục đạt mức khá và tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,7%). Trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD, chiếm 1,78% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 này tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,5% so với tháng 12/2015 (dưới ngưỡng Quốc hội cho phép là dưới 5%).

Các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định và đúng định hướng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,03%. Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định. Tỉ giá tháng 11/2016 có biến động chủ yếu do yếu tố tâm lý trước bối cảnh đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Thị trường vàng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm khoảng 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tổng thu ngân sách đến 15/11 đạt 89,8% dự toán, tăng 6,3%. Giải ngân đầu tư công đạt 70,2% kế hoạch. Vốn FDI thực hiện ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3%.

Môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp tiếp tục cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cựcĐặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đã vượt quá con số 100.000 doanh nghiệp, cụ thể là có trên 101 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17% về số DN và tăng 48% về số vốn đăng ký; có trên 24 nghìn DN hoạt động trở lại. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện.

Về an sinh xã hội, điểm nổi bật là trong bối cảnh tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, các ngành, các cấp đã nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân (đến ngày 21/11/2016, đã hỗ trợ gạo cứu đói cho 22 tỉnh, đã xuất cấp 138.000 tấn gạo để cứu trợ, cứu đói). Cùng với đó, đã tạo việc làm cho gần 1,5 triệu lao động.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội hiện cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý, hiện cũng đang được người dân, dư luận rất quan tâm. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Như vấn đề tỉ giá USD, đây chưa phải vấn đề quá căng thẳng hiện nay, nhưng cần theo dõi sát tình hình để chủ động ứng phó. Vấn đề lạm phát, CPI tháng 11 tăng 0,48%, 11 tháng đã tăng 4,5%, sát ngưỡng cho phép là 5%.

Kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016.

Trong thời gian còn lại của năm, phải nỗ lực để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng 12. Đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng lĩnh vực, mặt hàng phấn đấu đạt mức tăng xuất khẩu ít nhất 8%. Có biện pháp cụ thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm tín dụng tăng 17-18%.

Tháng 12 là tháng gần Tết, trong khi dư địa cho CPI không còn nhiều, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại tệ và tỉ giá, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỉ giá trong thời điểm cuối năm. Đồng thời các Bộ, ngành chức năng cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch năm 2017, để đưa ra thảo luận tại Phiên họp Chính phủ mở rộng với các địa phương tháng 12/2016.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là chủ động ngay từ ngày đầu tháng đầu của năm (2017), phải thực sự bắt tay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Triển khai quyết liệt kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Rút kinh nghiệm các năm trước, chúng ta phải làm quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm. Như việc giao vốn đầu tư, kiên quyết không để tình trạng kéo dài việc giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân như năm 2016. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch ngay từ đầu năm 2017.

Trước những diễn biến mới trong tình hình kinh tế, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra của Chính phủ là không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp; cần chuẩn bị các kịch bản, xây dựng các phương án ứng phó phù hợp đối với các diễn biến liên quan đến TPP và các Hiệp định thương mại tự do khác, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016.

Về nợ công, đây là vấn đề rất hệ trọng, Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016.

Về nợ xấu, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm; chuẩn bị kỹ, thực hiện hiệu quả phương án xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Về cổ phần hóa, cần tiếp tục bán vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về nhiều dự án luật, đề án, như Đề án Đặc khu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; về việc không thực hiện ghi nhãn phụ, dán nhãn sản phẩm, công bố hợp quy đối với nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Trước mắt cần khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về một số chủ trương, chính sách lớn tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Chính phủ cũng đã thảo luận về một số nội dung cơ bản triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ ngành, địa phương. Với tinh thần nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao. Từ khi được thành lập cuối tháng 8 tới nay, tuy thời gian không dài, nhưng Tổ công tác đã kiểm tra được 9 đơn vị. Trong tháng 11, Tổ công tác đã kiểm tra Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những kết quả kiểm tra đã được Tổ công tác báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, tích cực của Tổ công tác và các Bộ trưởng trong công tác kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đặc biệt là các Bộ ngành, địa phương được giao nhiều nhiệm vụ, những nơi có nhiều nhiệm vụ chậm trễ, những nơi làm tốt. Tinh thần là hết sức công khai, minh bạch, đồng thời nắm bắt tình hình, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan khách quan, tháo gỡ khó khăn cho bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hơn nữa thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác phối hợp – hiện được đánh giá là còn yếu. Việc gì thuộc trách nhiệm Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thì phải hoàn thành, không đẩy lên Chính phủ. Trong đó, tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ ngay những vấn đề ràng buộc doanh nghiệp, người dân; nâng cao năng lực phản ứng chính sách; trách nhiệm đến cùng trong giải quyết các vấn đề đặt ra, tạo chuyển động cả hệ thống, từ người đứng đầu tới các vụ, cục, đơn vị, từng cán bộ, công chức.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ và bộ máy hành chính kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quán triệt tinh thần này; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng cũng đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng đô thị, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, tái cơ cấu, chấn chỉnh hiện tượng khi ban hành cơ chế chính sách xuống nhưng ở địa phương có nơi này, nơi khác vẫn còn giấy phép con, còn gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện đầu tư ở địa phương.

 

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng nhận được nhiều ý kiến của các DN gửi đến và đã trả lời. Tuy nhiên các khó khăn vướng mắc của DN đang được Thủ tướng chỉ đạo trả lời sớm, ngay và minh bạch trên website của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.

 

Hiện nay tại website của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nhận được 95 ý kiến của DN, đã trả lời 55 ý kiến, còn 40 ý kiến tiếp tục trả lời và tiếp tục nhận thêm ý kiến của DN. Có thể nói tất cả nội dung được công khai minh bạch theo tinh thần của Thủ tướng, vấn đề liên quan đến truyền thông là chủ động thông tin cho các cơ quan báo chí và thông tin cho người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trọng Phú (PV báo Pháp luật TPHCM): Tại phiên họp lần này, Chính phủ triển khai một số nội dung của Nghị quyết Trung ương 4. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức có hành vi xấu ở nơi công cộng như vụ cán bộ kiểm lâm ở Hoà Bình đánh nhân viên trạm thu phí, ở Hà Nội thì có vụ đánh nhân viên hàng không hay vụ cán bộ Sở Ngoại vụ đánh cụ già 76 tuổi. Những việc này được chấn chỉnh như thế nào?

Liên quan đến vụ việc ở Sở LĐTB&XH Hải Dương, tại cuộc họp báo trước, Người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin là sẽ xử lý nghiêm và công bố trước dư luận xã hội vụ việc này nhưng đến nay kết quả xử lý như thế nào?

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hôm nay, Chính phủ có bàn về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng, về đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là vấn đề tự chuyển biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

 

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị có ban hành Kế hoạch về triển khai Nghị quyết Trung ương 4, giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ một số việc. Hôm nay, Chính phủ cũng bàn về Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Có ba nhóm giải pháp rất quan trọng.

 

Nhóm giải pháp thứ nhất là vấn đề công tác chính trị tư tưởng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó có vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nhận thức của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt phải mẫu mực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vấn đề rà soát, kiểm điểm tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm đều được Thủ tướng nêu lên. Tất cả các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là người đứng đầu phải noi gương. Vì Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân, chứ không phải riêng cán bộ, công chức, viên chức, nhưng cán bộ, công chức, viên chức là người làm gương, làm mẫu mực.

 

Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng cơ chế chính sách. Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương tiếp thu tinh thần góp ý của các thành viên Chính phủ, quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, hoàn thiện các chính sách, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tránh việc một việc giao cho nhiều cơ quan chồng chéo, đan xen. Gắn với việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, các nhiệm vụ của các bộ, ngành được xem xét, rà soát phân định rõ ràng, gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ hai là xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực. Báo chí cũng đặt vấn đề ở các địa phương, bộ, ngành khi thực hiện quy trình cán bộ đều nói thực hiện đúng quy trình. Vậy quy trình như thế nào? Vấn đề công khai, minh bạch và đặc biệt là chủ động công khai với các cơ quan báo chí, công khai  với dân để có sự giám sát của báo chí, dân về công tác cán bộ như thế nào? Thủ tướng đã từng phát biểu thi tuyển để tìm người tài chứ không phải người nhà. Đây cũng là một nội dung được nhấn mạnh trong Đề án thực hiện quy trình tuyển dụng.

 

Trong chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành phải tập trung xây dựng Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành theo tinh thần tinh giản biên chế, nhất là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ.

 

Nhóm vấn đề thứ ba là về kỷ luật, kỷ cương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ…

 

Các vụ việc cán bộ Sở GTVT Hà Nội đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài, vụ cán bộ kiểm lâm đánh nhân viên trạm thu phí… là những việc đáng lên án. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, không thể chấp nhận có hành vi thiếu văn hoá, thiếu gương mẫu như thế. Chúng ta phải lên án. Trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ ngoài việc xây dựng Nghị định về văn hoá từ chức, thì còn xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ, tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”. Thủ tướng luôn nhắc không được bắn chỉ thiên và hứa với Quốc hội như thế nào thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình, nhất là các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn Quốc hội. Thủ tướng nhắc đi nhắc lại là đã hứa trước đồng bào, cử tri thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình.

 

Tinh thần là tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ, giao cho Bộ Nội vụ chủ trì ban hành đề án hoán thiện để sớm triển khai từ ngay đầu năm 2017.

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Liên quan đến việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị, cụ thể là ở Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời vấn đề này trước đại biểu Quốc hội. 

 

Đúng như các cơ quan báo chí phát hiện, cơ quan này có 46 người, thì có 44 lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. UBND tỉnh Hải Dương chưa có quy định cấp trưởng, phó phòng đối với Sở.

 

Tuy nhiên, theo quy định chung, cộng với 4 lãnh đạo cấp Sở thì Sở này chỉ có thể có 27 người là lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Do vậy, con số 44 lãnh đạo là vượt so với quy định. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương  báo cáo cụ thể và có biện pháp chấn chỉnh. Theo chúng tôi được biết, Sở LĐTB&XH Hải Dương đã có biện pháp chấn chỉnh và những ai chưa đủ tiêu chuẩn đều sẵn sàng rút lui không làm phó phòng nữa.

Thế Dũng (PV báo Người Lao động TPHCM): Vừa qua có thông tin sẽ đổi tiền nên dân đổ đi mua vàng, ngoại tệ. Xin Phó Thống đốc NHNN giải thích rõ về thông tin này.

 

Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, vừa qua có vụ việc ông Nguyễn Minh Mẫn là quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Thanh tra Chính phủ) theo đoàn công tác kiểm tra định kỳ tại ĐH Quốc gia TPHCM đã có những phát ngôn chưa đúng mực bị phát tán trên mạng xã hội và có những dư luận không tốt về việc này. Ngoài ra, tại Thanh tra Chính phủ, ông Mẫn trong quá trình tiến hành các thủ tục bổ nhiệm đã có 9/10 ý kiến không đồng ý và trải qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ đã có đề xuất không bổ nhiệm. Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ về việc này như thế nào?

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngay tại cuộc họp hôm nay, khi xây dựng định hướng, nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển KTXH năm 2017 cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cuối cùng là thông tin truyền thông. Thông tin truyền thông có vị trí quan trọng trong việc kết nối, truyền tải các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Đồng thời, qua kênh thông tin truyền thông ta cũng nắm được gương người tốt, việc tốt, lên án những hành động sai phạm của những tổ chức, cá nhân và thông tin lên. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng. Tại buổi họp hôm nay, tinh thần của Thủ tướng là thông tin minh bạch và chủ động cung cấp cho các cơ quan báo chí, trừ lĩnh vực về quốc phòng an ninh, còn những gì không thuộc bí mật Nhà nước ta đều phải minh bạch, công khai. VPCP cũng liên tục họp chấn chỉnh vấn đề về các văn bản mật. Các đồng chí cũng biết, khi đoàn kiểm tra công tác của Thủ tướng kiểm tra tại VPCP thì VPCP cũng phải nhận lỗi, ví dụ như cổ phần hóa, bán phần vốn Nhà tước tại DNNN… thì không phải là thông tin mật và phải được công khai. Vậy những kết luận thanh tra của các cơ quan được thanh tra là công khai, minh bạch, không giấu diếm.

 

Ở đây, có những cách ứng xử, lời nói không đúng thì chúng ta lên án. Cán bộ, công chức, viên chức phải nói đúng, không được xúc phạm đến những cơ quan đang làm nhiệm vụ vì đây là quyền của các cơ quan được thông tin, được công bố trừ khi các công việc đang thanh tra không được cung cấp thông tin, còn đã công bố kết luận là phải được công khai.

 

Trước hết, thay mặt cơ quan chủ trì họp báo, chúng tôi xin được tiếp nhận ý kiến của các cơ quan báo chí và truyền tải đến Tổng Thanh tra Chính phủ để có buổi họp rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc việc này, không để cán bộ như vậy. Ngay cả việc các đồng chí đặt vấn đề “có chìm xuồng không” thì tinh thần của Thủ tướng là không có cái gì chúng ta để “chìm xuồng”. Việc Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 cán bộ, công chức là lãnh đạo, chúng ta không thể chấp nhận được. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoàn thiện báo cáo về kiểm tra, thanh tra công vụ sau đó báo cáo Thủ tướng sớm để có giải pháp. Tại Sở GTVT Hà Nội cũng đã có hình thức công bố việc kỷ luật cán bộ vi phạm.

 

Tinh thần là, dù việc nhỏ nhưng liên quan đến lợi ích, quyền lợi của người dân thì ta không được nói là nhỏ. Phải đặt vào vị trí của người dân, chúng ta mới biết đó là việc lớn hay không lớn. Chúng ta nói việc người khác là nhỏ nhưng nếu là việc của chúng ta, ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng ta thì ta mới biết rằng việc đó rất quan trọng. Tới đây, sẽ có website Chính phủ với người dân đang từng bước cải cách, minh bạch hóa gắn với CNTT. Muốn minh bạch hóa được thì phải ứng dụng CNTT; đánh giá cán bộ làm tốt hay không tốt, kịp thời hay không kịp thời, chậm trễ hay nhiêu khê thì chỉ có CNTT mới giám sát cán bộ tốt được, vì hiển thị trên mạng thì không ai giấu được. Xin cảm ơn!

 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tôi khẳng định việc đổi tiền là thông tin thất thiệt và chúng ta phải cảnh giác với những thông tin như vậy bởi đổi tiền liên quan đến an ninh tiền tệ quốc gia. Nhờ các cơ quan báo chí lưu ý người dân cần hết sức cảnh giác vì trong điều kiện kinh tế của chúng ta đang ổn định và phát triển, tất cả những thông tin như vậy đều là bất lợi. Tôi khẳng định lại đây là thông tin bịa đặt.

 

PV báo Kinh tế đô thị: Bộ trưởng vừa nói có 95 ý kiến của doanh nghiệp gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, xin Bộ trưởng cho biết, các ý kiến của doanh nghiệp phản ánh những vấn đề gì? Có 55 câu hỏi đã được chỉ đạo trả lời đến đâu, 45 câu hỏi chưa được trả lời có vướng mắc gì?

 

Về thu ngân sách, đến thời điểm này, thu ngân sách mới đạt khoảng 84,1%, xin đại diện Bộ Tài chính đánh giá về khả năng thực hiện dự toán. Còn một tháng nữa là hết năm, vậy Bộ Tài chính có biện pháp gì để thúc đẩy thu ngân sách?

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Theo Thủ tướng, sẽ tạo ra sự kết nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp và tạo ra kết nối giữa Chính phủ với người dân. Trước mắt, sẽ thành lập một trang website của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đây là đầu mối, là nơi tiếp nhận toàn bộ đề xuất, kiến nghị, vướng mắc từ doanh nghiệp lên Chính phủ. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã thành lập một Tổ công tác của Văn phòng Chính phủ. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất Thủ tướng ký quyết định thành lập Tổ công tác cho các bộ, ngành, thành viên Bộ, ngành để trực tiếp giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

 

Trong 95 ý kiến của doanh nghiệp mà đã trả lời 55 ý kiến và tiếp tục nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, nội dung chủ yếu vẫn là vấn đề về giá thuê đất, vấn đề cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, vướng mắc về thủ tục hành chính…

 

Khi nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi đã cùng các bộ, ngành xem xét và trả lời, công bố ngay tại website có tên: doanhnghiep.chinhphu.vn. Trang thông tin này được công khai rộng rãi, ai cũng có quyền truy cập, ai cũng có quyền xem. Nếu doanh nghiệp nào có ý kiến muốn hỏi tương tự ý kiến các doanh nghiệp đã hỏi trước thì hoàn toàn có thể biết thông qua trang thông tin này, rất công khai.

 

Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh thời gian để trả lời các doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Trang thông tin này mới được thành lập từ ngày 5/10/2016, thời gian không dài nhưng được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Chắc chắn trong thời gian tới, các câu hỏi của các doanh nghiệp gửi đến sẽ rất nhiều.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 11 này, tiến độ thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 89,8% so với dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Với tiến độ thu này, đánh giá năm nay chúng ta sẽ đạt được dự toán được giao. Trong thu ngân sách nhà nước thì phần thu của ngân sách địa phương khá hơn, phần thu của ngân sách Trung ương còn khó khăn, chủ yếu do biến động giá dầu thô giảm nhiều trong năm nay.

 

Giải pháp trong thời gian tới khi còn một tháng là Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, một mặt tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển để thu ngân sách, nhất là tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán. Thứ hai, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra chống thất thu, chống gian  lận, chống buôn lậu và chống hàng giả. Thứ ba tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán mà Quốc hội đã quyết định.

 

Trong chi thường xuyên, Bộ sẽ tiếp tục thắt chặt triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng rằng, dự toán ngân sách mà Quốc hội năm nay giao, về phía Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ để phấn đấu đạt dự toán về ngân sách nhà nước đã được giao.

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trả lời câu hỏi của báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoài Thu (PV báo điện tử VNExpress): Trong thông cáo báo chí của VPCP phát ra liên quan đến vụ việc Vinastas, có chi tiết là theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc khảo sát nước mắm của Vinastas được tài trợ bởi Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy. Tuy nhiên, đây là một đại lý về truyền thông, thông thường đại diện cho nhà tài trợ nào khác để tiến hành truyền thông về một vấn đề nào đó. Vậy VPCP có thể cung cấp thêm thông tin về nhà tài trợ thực sự đứng phía sau Ogilvy tài trợ cho Vinastas tiến hành cuộc khảo sát nước mắm này hay không?

 

Thứ hai, về việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone công bố đã chi gần 9.000 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty AVG, có ý kiến cho rằng có sự thiếu minh bạch trong công khai quá trình mua bán thương vụ này. Xin hỏi Người phát ngôn của Chính phủ, liệu có yếu tố lợi ích nào trong vụ việc này hay không?

 

Thứ ba, hôm nay, Bộ Công Thương phát đi thông tin trong năm tới có thể sẽ thay xăng A92 bằng E5. Xin cho biết thời điểm cụ thể sẽ thay thế? Với mức độ tiêu thụ thị trường xăng A92 vào khoảng gần chục triệu tấn/năm, trong khi nguồn cung cấp E5 chỉ từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty Tùng Lâm với sản lượng khoảng 3 triệu tấn, liệu có đủ sản lượng cung ứng cho thị trường hay không? Liệu khi thay thế rồi thì có tình trạng đứt đoạn nguồn cung của thị trường hay không? Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương có tính tới việc khởi động lại các dự án nhà máy xăng sinh học đang đắp chiếu để đạt được sản lượng cung ứng cho thị trường hay không?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Về vi phạm của Vinastas trong việc công bố thông tin liên quan đến arsen trong nước mắm, ngay sau khi có thông tin đó, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra các hoạt động của Vinastas và đã có báo cáo lên Thủ tướng. Theo đó, Vinastas có những sai phạm. Cụ thể, kết quả khảo sát của Vinastas không minh bạch, như không xây dựng đề án và kế hoạch khảo sát rõ ràng, việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát; quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không đúng quy định; việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không bảo đảm tính độc lập theo quy định.

 

Ngoài ra, việc Vinastas công bố thông tin sai về chất lượng nước mắm vừa qua có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm (đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh) và Khoản 6 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác).

 

Các sai phạm của Vinastas đã được Bộ Công Thương làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo rất cụ thể với các bộ, ngành liên quan. Trong đó, Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Vinastas cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Hội trong vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật. Về chỉ đạo này, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua. Vinastas cũng đã có đính chính thông tin của mình.

 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệ Hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của Hội trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm của Hội này theo quy định. Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí co sai phạm xử lý nghiêm các cá nhân trong việc đưa thông tin thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Về điều này, Bộ TT&TT trong thời gian vừa qua đã triển khai rất rốt ráo chỉ đạo của Thủ tướng. Cho đến nay, 50 cơ quan báo chí đã có hành vi sai sự thật đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

Về việc thay thế xăng Ron 92 bằng xăng E5, vài năm trước đây, giá xăng dầu rất cao và do nhu cầu bảo vệ môi trường, Chính phủ đã có Quyết định 53, triển khai từng bước đưa xăng E5, E10 vào tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá xăng dầu giảm đột ngột, trước đây thời điểm cao nhất lên tới trên 140-150 USD/thùng, bây giờ chỉ còn 50 USD thôi. Do nguyên nhân khách quan như vậy nên việc sản xuất, tiêu thụ, đưa xăng E5, E10 vào tiêu thụ rất khó khăn. Hiện nay, cả nước có 4 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng chỉ nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty Tùng Lâm là còn hoạt động với công suất 2 nhà máy là 150.000 tấn/năm. Những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học khác vì nhiều lý do khác nhau cái thì không sản xuất, cái chưa đầu tư xong. Vì vậy, hiện nay chưa có quyết định cuối cùng, thời điểm nào thì xăng A92 được thay thế bằng E5. Cho nên, thông tin đến tháng 6/2017 có thể thay thế toàn bộ xăng A92 bằng E5 là chưa chính xác.

 

Chúng ta biết rằng ở nước ta, sản xuất nhiên liệu sinh học ở quy mô lớn rất khó khăn. Hiện nay, nhiên liệu sinh học được sử dụng nhiều ở hai nước Brazil và Mỹ. Mỹ có điều kiện thuận lợi là sản xuất nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học rất rẻ. Ở Mỹ, với công nghệ biến đổi gene, năng suất trồng ngô khoai sắn rất cao, nguồn nguyên liệu rất rẻ để sản xuất nhiên liệu sinh học, có khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu rất thấp. Trong khi đó, chúng ta không có vùng nguyên liệu lớn để trồng sắn, mà nhiên liệu sinh học chủ yếu sản xuất từ sắn và năng suất sắn của chúng ta không cao. Vì vậy, mặc dù có 4 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu nhưng hiện chỉ còn nhà máy của Tùng Lâm còn sản xuất được. Chúng ta phải có sự đánh giá toàn diện về sản xuất xăng sinh học và lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo: Về việc Mobifone chi 9.000 tỷ đồng mua cổ phần của AVG, từ các cuộc họp báo trước đã có thông báo Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào làm việc. Hiện nay, công việc chưa có kết quả cuối cùng bởi vì cần làm rõ những băn khoăn như có lợi ích nhóm, có thất thoát không. Khẳng định được việc đó cần thời gian, phải làm rất chắc chắn. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Mobifone phải phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa để thanh tra làm rõ. Khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ công bố với các cơ quan báo chí.

 

Bích Diệp (PV báo điện tử Dân trí): Bộ Công Thương hiện đang tiến hành sắp xếp lại bộ máy, trong đó có việc giảm các đầu mối cục, vụ. Xin hỏi việc này có động đến các đối tượng “con ông cháu cha”, người có thế lực trong Bộ không? Thứ hai, Qquan điểm của Chính phủ về vấn đề các lớp học kích não tại TPHCM như thế nào?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2016, các bộ, ngành phải xây dựng lại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành. Đối với Bộ Công Thương, trong thời gian qua, có dư luận có thể nói là không tích cực về bộ máy cồng kềnh, chưa hiệu quả của Bộ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo xây dựng lại, cải tổ lại bộ máy cho gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, đến nay Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định mới về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ. Về chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong khoá này chắc sẽ không khác gì nhiều so với các khoá trước, tuy nhiên về cơ cấu tổ chức, hiện nay chúng tôi đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 28 đầu mối, giảm đi 7 đầu mối so với 35 đầu mối trước đây. Đương nhiên khi giảm đầu mối, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng vụ, từng cục, chúng ta phải sắp xếp lại con người. Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ cán bộ để lựa chọn được những người thật sự có tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm để trong thời gian tới, việc triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Bộ GD&ĐT đã nhận được thông tin liên quan đến lớp học kích não tại TP. Hồ Chí Minh qua báo chí. Cho đến nay, Bộ không cấp phép bất kỳ lớp học nào như thế này. Tất cả các phương pháp áp dụng trong giáo dục phải được nghiên cứu kỹ càng, phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp phép nhằm tránh sự phát triển tai hại đối với trẻ em. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cơ quan đại diện phía nam nắm bắt tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ, trên cơ sở đó Bộ sẽ xử lý, thông tin cho nhân dân được biết.

PV truyền hình Thông tấn: Tính đến 22/11, tăng trưởng tín dụng mới đạt 14,03% mà theo kế hoạch là 18-20%. Vậy đến hết năm liệu mức tăng trưởng tín dụng có đạt được không và NHNN ưu tiên cho những lĩnh vực nào?

 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Số liệu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP vừa công bố là dư nợ tín dụng tăng trưởng được khoảng 14,3%, trong đó tăng trưởng tín dụng bằng VND khoảng 15,28% và tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khoảng 2,8%. Chúng tôi khẳng định kế hoạch đầu năm đặt ra chỉ tiêu là 18-20% tăng trưởng tín dụng của năm 2016 là con số có tính chất định hướng trong chỉ đạo điều hành, không phải là con số mang tính chất pháp lệnh, hay kế hoạch phải đạt được. Bởi trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung, đặc biệt là việc gia tăng tăng trưởng tín dụng nói riêng, việc tăng trưởng tín dụng đến mức độ nào, mục tiêu chủ yếu nhằm phục vụ trước hết cho việc tăng trưởng nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Vì vậy mức độ gia tăng tín dụng phải đáp ứng được yêu cầu, đó là mục tiêu cao nhất. Thứ hai là phải bảo đảm việc gia tăng tăng trưởng tín dụng đồng thời với kiểm soát chất lượng tín dụng và đặc biệt trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo, kiểm soát chất lượng tín dụng để không phát sinh thêm nợ xấu trong khi đang phải xử lý nợ xấu những năm trước đây còn để lại.

 

Vì thế với mức 14,03% hiện nay là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu quan trọng đặt ra và còn hơn 1 tháng nữa, theo thông lệ nhiều năm vừa qua, thời điểm cuối năm là thời điểm tăng tín dụng rất nhanh. Từ 14% tăng lên 18% chắc chắn chúng tôi có thể điều hành được. Nhưng nếu mở rộng tín dụng chỉ vì dư nợ đạt được 18-20% là hoàn toàn không khó, nhất là trong điều kiện vừa qua nhiều tổ chức tín dụng, NHTM muốn NHNN nới thêm hạn mức tín dụng tăng trưởng trong năm nay của từng ngân hàng. Tuy nhiên, vì yêu cầu kiểm soát lạm phát, bảo đảm giữ mặt bằng lãi suất cũng như xu hướng giảm lãi suất, bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại thì chúng tôi xác định tỉ lệ tăng trưởng dư nợ khoảng 14% ở thời điểm hiện nay, cũng như 17-18% vào cuối năm là hợp lý và có thể đạt được. Trong điều kiện đó, dòng vốn hiện nay chúng tôi xác định tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực, trước hết là 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã chỉ đạo và đặc biệt quan tâm đến các gói tín dụng chính sách hiện nay cho khắc phục khó khăn do thiên tai, do vấn đề môi trường đặt ra vừa qua cũng như tập trung vào một số lĩnh vực cần thiết để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng kinh tế.

 

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam: Xin được hỏi Bộ Tài chính, Bộ đã giảm được bao nhiều đầu xe, bao nhiêu lái xe khi khoán xe công? Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có đại biểu trong phiên thảo luận tại tổ cho rằng, Bộ Tài chính khoán cho mỗi người 9-10 triệu/tháng. Con số này có đúng không và nếu đúng thì đã là thành công chưa?

 

Dư luận đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua xử lý các sai phạm trong quản lý báo chí rất rốt ráo, dư luận đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi rất muốn nghe ý kiến của Bộ TT&TT với tư cách vừa là đồng nghiệp, vừa là cơ quan quản lý báo chí xung quanh ý kiến mà ông Nguyễn Minh Mẫn phát ngôn. Thực sự chúng tôi cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Xin hỏi Bộ Nội vụ, ông Mẫn năm 2012 được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy tại sao vừa không hoàn thành nhiệm vụ, vừa không đạt phiếu tín nhiệm mà vẫn được đề bạt, bổ nhiệm như vậy?

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: Về vấn đề khoán xe công, Bộ Tài chính thực hiện theo Quyết định  số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bộ Tài chính đã thực hiện khoán việc đưa đón các đồng chí chức danh Thứ trưởng và tương đương, khoán việc đưa đón từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà. Trong quá trình đi công tác, trước mắt vẫn thực hiện bình thường theo chế độ. Mức khoán không phải bình quân 9-10 triệu như có thông tin đã đưa. Về việc này, Bộ Tài chính đã có thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cách tính toán của Bộ Tài chính là căn cứ cự ly thực tế từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà của các đồng chí được khoán, tính theo giá taxi thông thường tại Hà Nội để đề ra mức khoán. Do đó đồng chí nào nhà ở xa sẽ có mức khoán cao hơn, nhà gần có mức khoán thấp hơn, có đồng chí ở gần chỉ nhận mức khoán 2-3 triệu, không phải 9-10 triệu như thông tin. Bộ Tài chính đánh giá đây là bước đầu tiên thực hiện và đang tổ chức nghiên cứu, đánh giá, sắp tới tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về xe công, với tinh thần đẩy mạnh thực hiện chế độ khoán, kèm theo đó sẽ giảm mạnh đầu xe công, kể cả xe cho các chức danh, xe dùng chung, xe chuyên dùng. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ có rà soát để báo cáo Chính phủ.

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Theo thông tin của PV báo Nông nghiệp Việt Nam về trường hợp ông Nguyễn Minh Mẫn năm 2012 không hoàn thành nhiệm nhưng vẫn được bổ nhiệm, xin nói như thế này, việc bổ nhiệm cán bộ thanh tra căn cứ trên các quy định, tiêu chuẩn. Hoàn thành nhiệm vụ cũng là một trong những căn cứ, tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Hôm nay khi báo chí đưa thông tin này, chúng tôi sẽ tiếp nhận, làm việc với Thanh tra Chính phủ để nắm rõ, và sau đó sẽ có thông tin chính thức.

Theo http://baochinhphu.vn/