Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lê Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; Đào Việt Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Chiêm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…
Báo cáo của các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, từ đầu năm đến nay, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm tiếp tục tăng, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng điều tra, khám phá đạt 92,39%.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi làm việc. |
Các cơ quan điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Toà án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử; đã cơ bản bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bảo đảm quyền dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.
Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, cũng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như xuất hiện các loại tội phạm phi truyền thống với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi; một số tội phạm kinh tế, tham nhũng sử dụng thủ đoạn phổ biến là nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài để tẩu tán, xóa dấu vết; tìm cách trốn ra nước ngoài, nhất là các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa Việt Nam với một số nước chưa tương thích, nên gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp của đối tác nước ngoài, cũng như khó đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao, dẫn độ người phạm tội.
Bên cạnh đó, công tác giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy còn nhiều bất cập; một số cơ quan trưng cầu giám định từ chối, né tránh giám định; chưa quy định rõ thời hạn trả kết quả giám định..., ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác điều tra...
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích mà các cơ quan điều tra đã đạt được trong thời gian qua.
Thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra trong việc giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đặt ra rất nặng nề.
Đồng chí Chủ tịch nước cơ bản đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2016 và năm 2017 của các cơ quan điều tra; đồng thời đề nghị tập trung thực hiện một số nội dung công tác, trong đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo đảm khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai, tích cực góp phần phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, kỷ luật, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án hình sự, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, các vụ án sử dụng công nghệ cao mà dư luận quan tâm; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm; có các biện pháp phòng ngừa tích cực, quản lý, giám sát chặt chẽ, không để đối tượng trốn đi nước ngoài.
Chú trọng khâu phát hiện án kinh tế, tham nhũng cũng như thu hồi tài sản bị thất thoát, tài sản bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, pháp luật, đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ điều tra viên, kiên quyết không bố trí số cán bộ chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện làm công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên có kiến thức cần thiết về khoa học - công nghệ, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế để nâng cao chất lượng điều tra loại tội phạm nguy hiểm này.
Quan tâm tăng cường lực lượng điều tra viên cho cơ quan điều tra ở các địa phương trọng điểm. Chú trọng công tác quản lý và bảo vệ đội ngũ cán bộ điều tra để phòng, chống tội phạm tấn công, mua chuộc, lôi kéo làm tha hóa.
Tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và các dự án luật có liên quan; đồng thời, triển khai thi hành có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp. Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo liên ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng dưới nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các đạo luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động của các cơ quan điều tra.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền và tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp hữu quan của các nước trên thế giới để khẩn trương truy bắt số đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài, nhất là số đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng, đồng thời có biện pháp hiệu quả thu hồi số tài sản tham nhũng bị tẩu tán, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe số đối tượng có ý định bỏ trốn ra nước ngoài.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tham mưu, đề xuất tham gia các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước, ưu tiên các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược nhằm tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp; tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm và các nguồn tài trợ quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá tội phạm.
Theo http://cand.com.vn/