Sử dụng thiết bị thông minh một cách thông minh
Cập nhật ngày: 4-11-2016
 
Ngày nay với sự phát triển vượt bậc, công nghệ số với các thiết bị thông minh đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích, thì việc sử dụng công nghệ số lại có một số tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới nhiều chuẩn mực, giá trị, mối quan hệ xã hội và gia đình ở Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của “cơn bão” công nghệ này…
 

Sự phát triển và lan rộng của công nghệ số hiện nay đã làm thay đổi một số phương diện của cuộc sống, mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho con người. Ở Việt Nam, việc kết nối internét (in-tơ-nét), sở hữu một thiết bị thông minh như smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng,... đã trở nên phổ biến với mỗi gia đình. Trẻ em cũng được tiếp cận với các thiết bị này từ rất sớm và sử dụng một cách thường xuyên. Tuy còn gặp một số rào cản nhất định, nhưng người cao tuổi cũng đã dần tiếp cận, sử dụng công nghệ số phục vụ cuộc sống. Và điều này gần như đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống rất nhiều người. Trên thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số mang đến cho mỗi gia đình. Trước kia, khi in-tơ-nét và các thiết bị hiện đại chưa phát triển, thì các hình thức giải trí của con người rất hạn chế. Còn giờ đây, với các tiện ích giải trí phong phú, đa dạng, công nghệ số giúp thành viên gia đình giải tỏa các căng thẳng trong cuộc sống thường ngày, thư giãn sau thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Họ có thể thoải mái lựa chọn hình thức giải trí phù hợp như đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc, chơi game, chuyện trò, chia sẻ với bạn bè, người thân trên các mạng xã hội. Ngoài chức năng giải trí, trẻ em cũng có thể qua các ứng dụng hay trò chơi hữu ích, mang tính giáo dục, học tập để rèn luyện khả năng tư duy, cũng như thu nhận thêm kiến thức. Còn người lớn, bên cạnh kiến thức thông thường khác, hoàn toàn có thể tìm kiếm các thông tin hữu ích trên in-tơ-nét về chăm sóc gia đình, con cái để vừa mở mang tri thức, nâng cao sự hiểu biết, vừa góp phần củng cố hạnh phúc… Ứng dụng đa dạng, mới mẻ của công nghệ số cũng giúp mọi thành viên gia đình có thể kết nối, liên lạc khi ở xa. Ngoài cách thức gọi điện liên lạc thông thường hay gửi tin nhắn, giờ đây, chỉ với một thiết bị thông minh kết nối in-tơ-nét, thành viên trong gia đình có thể chia sẻ các hình ảnh, đoạn video tự quay, trò chuyện qua mạng xã hội. Ngoài ra, ứng dụng video call còn giúp họ thực hiện cuộc gọi có thể nhìn thấy hình ảnh trực tiếp của nhau trên màn hình, như đang mặt đối mặt. Điều này khiến khoảng cách địa lý không còn là vấn đề lớn. Dù ở xa nhưng thành viên gia đình vẫn có thể liên lạc, kết nối thông tin thường xuyên để duy trì tình cảm, thắt chặt quan hệ,...

Tuy nhiên, bên các tác động tích cực, sự phát triển và sức lan tỏa mạnh mẽ của nó, thì công nghệ số cũng có những ảnh hưởng xấu, trở thành một tác nhân vô hình phá vỡ sự liên kết gia đình. Công nghệ có khả năng làm con người gần nhau hơn, nhưng lại tạo nên sự xa cách giữa chính các thành viên trong một gia đình. Trước kia, giờ cơm tối là lúc gia đình quây quần, bố mẹ hỏi han chuyện học hành của con cái, kể cho nhau chuyện buồn vui trong ngày để cùng chia sẻ, tham khảo ý kiến. Còn giờ đây, khi smartphone gần như trở thành vật bất ly thân, sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, gia đình vẫn quây quần bên bữa cơm, nhưng có người vừa ăn lại vừa dán mắt vào màn hình. Bữa ăn kết thúc, mỗi thành viên tiếp tục dùng thiết bị công nghệ để phục vụ nhu cầu riêng. Con cái thì trở về phòng. Bố mẹ tuy ngồi cạnh nhau nhưng cũng mỗi người một chiếc smartphone. Các cuộc trò chuyện vì vậy ít dần đi, sự lắng nghe, chia sẻ để hiểu nhau hơn cũng trở nên thưa thớt. Họ ít còn tâm sự với nhau về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Và khi mỗi thành viên chìm đắm trong không gian riêng để kết nối với thế giới chứ không kết nối lẫn nhau, thì hạnh phúc gia đình có nguy cơ suy giảm.

Có thể nói, với nhiều gia đình, nhất là ở đô thị, việc quá phụ thuộc và lạm dụng thiết bị công nghệ đã chi phối cuộc sống mỗi người, khiến thời gian dành cho gia đình ngày một ít đi. Điều này đồng nghĩa với tình trạng giao tiếp ít hơn, dần dà thành viên ít hiểu nhau hơn, có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Rồi nữa là trách nhiệm của mỗi người với công việc chung của gia đình bị lơ là, không hiểu nhau dẫn đến nghi ngờ, bất hòa, cãi vã... Vì công nghệ mà một số ông bố, bà mẹ tỏ ra thờ ơ, ít gần gũi với con cái hơn. Có khi họ chỉ mở phim hoạt hình, ca nhạc hoặc trò chơi cho con còn bé ngồi một mình, sau đó lại quay trở về với thế giới riêng. Trẻ em vì vậy sẽ không được trò chuyện, chia sẻ nhiều với bố mẹ, dẫn đến thiếu thốn tình cảm gia đình và sự quan tâm chăm sóc. Trẻ em ở độ tuổi lớn hơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự thiếu quản lý của bố mẹ, rồi để mặc các em thỏa sức tự do với mọi thứ trên in-tơ-nét, vốn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại. Như vậy, trẻ em rất dễ hư hỏng, phát triển lệch lạc về tư duy, nhận thức, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Lạm dụng công nghệ cũng ảnh hưởng đến cả thể chất, tinh thần, lối sống và thói quen sinh hoạt của thành viên trong gia đình. Thời gian dành sử dụng các thiết bị này chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi bạn bè, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng... Bên cạnh đó, về lâu dài, ánh sáng từ thiết bị số cũng có thể làm suy giảm thị lực khi người sử dụng dùng trong bóng tối.

Khi công nghệ chưa phát triển, trẻ em thường giải trí với nhiều hoạt động thể chất như đá bóng, chạy nhảy, leo trèo,... các món đồ chơi, trò chơi sáng tạo như vẽ tranh, nặn đất sét, ghép hình... Còn giờ đây, những thứ đó được thay thế bằng thiết bị số với rất nhiều trò giải trí hấp dẫn, đa dạng, bắt mắt. Smartphone, máy tính bảng khiến trẻ chỉ ngồi yên một chỗ và dán mắt vào màn hình, không còn thời gian dành cho vận động thể chất cùng các hoạt động khác; làm cho các em thiếu sự nhanh nhẹn và hoạt bát, tăng nguy cơ béo phì, suy giảm thị lực, có thể dẫn tới các bệnh tật khác. Thị giác, vận động của giác quan, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo đang trong thời kỳ mới chớm nở là các yếu tố chỉ có thể được kích thích, rèn giũa, phát triển trong thế giới thực muôn màu, đầy sinh động, chứ không phải trong thế giới ảo. Trẻ có thể học hỏi được nhiều điều ở thế giới thực qua các giác quan, còn trong thế giới ảo, mọi thứ chỉ hạn chế ở hình ảnh, âm thanh phát ra từ thiết bị. Nếu lệ thuộc vào công nghệ từ quá sớm, trẻ sẽ không học được những điều cơ bản, như cách hòa nhập vào thế giới chung quanh, với thiên nhiên và con người... Khi trí não chưa phát triển, trẻ sẽ dễ bị rối trí, lầm lẫn giữa thế giới thực với thế giới ảo. Trẻ vẫn sẽ lớn lên, nhưng lại trở thành “đứa trẻ công nghệ” chứ không phải một trẻ bình thường. Quá mải mê vào công nghệ, chìm đắm vào các thiết bị mà không tiếp xúc, giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ, không chơi với bạn bè cùng lứa tuổi còn hạn chế khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội khác, ít giao tiếp, ít trò chuyện, dẫn đến xu hướng sống khép mình lại, không mở lòng với mọi người và thế giới chung quanh, làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh tự kỷ.

Công nghệ số phát triển mang tới nhiều tiện ích cho cuộc sống con người, kèm theo đó là những tác hại khó lường từ người sử dụng. Xét cho cùng, công nghệ số cũng chỉ là công cụ phục vụ cuộc sống con người. Việc nó gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực là tùy vào cách sử dụng của mỗi người. Do đó, cần phải hiểu rõ thực trạng, nhận thức đúng lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số, để trang bị kiến thức phù hợp, từ đó định hướng, cũng như tìm ra cách thức sử dụng hiệu quả. Sử dụng thiết bị thông minh một cách thông minh sẽ không chỉ giảm các tác hại, mà còn phát huy được mặt tốt, giúp quan hệ giữa các thành viên thêm gắn kết, hạnh phúc gia đình được bảo đảm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Nguồn nhandan.com.vn