Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu
Cập nhật ngày: 26-04-2018
 
Sáng 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
 
Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu có ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đã nêu 05 vấn đề lớn để các đại biểu tập trung thảo luận, tìm giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
  
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đánh giá, nhận định tình hình xuất khẩu năm 2018, đồng thời đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề lớn mà Thủ tướng đã đặt ra tại Hội nghị để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Bộ Công thương đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Giải pháp được chia làm 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: Nhóm giải pháp tác động phía cung; nhóm giải pháp tác động phía cầu; nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động và khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững; tiếp tục giảm các thủ tục hải quan không cần thiết tạo môi trường thông thoáng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý xuất nhập khẩu để giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế; nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường trước khi quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa…


Theo http://baclieu.gov.vn/