Bạc Liêu: Đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A
Cập nhật ngày: 17-04-2018
 
Chiều 13/4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết và đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
 
Qua hơn 15 năm (2001 - 2017) thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo sự cho phép của Chính phủ, cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình luân canh tôm - lúa(mùa khô nuôi tôm, mùa mưa trồng lúa) là khá cao so với các mô hình sản xuất độc canh truyền thống khác trong vùng.

  
Quang cảnh Hội nghị
 
Theo nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học, mô hình sản xuất tôm - lúa được áp dụng tại các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi và thị xã Giá Rai đã tạo ra được nhiều sản phẩm, ngoài các sản phẩm là tôm và lúa còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác mang tính bền vững về kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất… Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai, thực hiện mô hình cũng gặp không ít khó khăn như: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ; công tác điều tiết nước luôn gặp khó khăn. Đặc biệt, những diễn biến phức tạp từ biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu, trong đó có các nhà khoa học, Lãnh đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm về những cách làm hiệu quả cũng như những khó khăn, hạn chế, từ đó đề xuất, kiến nghị nhằm giúp cho mô hình sản xuất tôm - lúa phát triển bền vững hơn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao mô hình sản xuất tôm - lúa ở các địa phương vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Mô hình này đã đem lại đời sống ấm no cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. Tuy nhiên, so với điều kiện, tiềm năng hiện có, hiệuquả sản xuất từ mô hình còn quá khiêm tốn. Chính vì thế, tỉnh và các địa phương áp dụng mô hình này cần tiếp tục tập trung, quan tâm thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất. Đồng thời, thu hút, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để giúp bà con nông dân có điểm tiêu thụ nông sản sau thu hoạch.

Theo http://baclieu.gov.vn/