Triển khai Nghị định 49 của Chính phủ về công tác quản lý thông tin thuê bao di động
Cập nhật ngày: 6-07-2017
 
Ngày 30/6, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Nghị định 49 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt là Nghị định 49).
 

Dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông; Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

  

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh KN)

Ông Phạm Thống Nhất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị định số 49 của Chính phủ ra đời nhằm khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao di động; đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý thuê bao di động, trong đó quy định cụ thể về việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động như: Thống nhất nơi bán sim và đăng ký thông tin thuê bao; không còn đại lý bán SIM; bỏ bản khai đăng ký thông tin thuê bao; bỏ lưu trữ bản giấy; không hạn chế số lượng SIM nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ; doanh nghiệp viễn thông có quyền cắt hợp đồng đối với thuê bao không cung cấp lại thông tin thuê bao; bổ sung điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động và chỉ doanh nghiệp được làm điểm ủy quyền…

Ngoài ra, Nghị định 49 còn quy định tăng mức xử phạt doanh nghiệp viễn thông; bổ sung hành vi và đối tượng phạt... Cụ thể, có 36 hành vi quy định xử phạt về đăng ký thông tin thuê bao không đúng quy định thì có 27 hành vi chỉ rõ chủ thể bị xử phạt vi phạm là doanh nghiệp viễn thông di động; mức phạt được điều chỉnh linh hoạt tăng theo số lần vi phạm và tăng tối đa mức phạt lên đến 200 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm…

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để Nghị định 49 triển khai có hiệu quả trong thời gian tới. 



Theo http://www.baclieu.gov.vn