Cục Thú y làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh
Cập nhật ngày: 6-06-2017
 
Sáng 2/6, Đoàn công tác Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) do ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về việc thực hiện Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm vùng đệm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Dương Thành Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Hòa Bình.
 
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe Sở NN&PTNN báo cáo về kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi tại tỉnh Bạc Liêu và kết quả thực hiện giám sát dịch bệnh, giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, phục vụ xuất khẩu năm 2017. Sau khi được Bộ NN&PTNT, Cục Thú y chọn Công ty Cổ phần Việt - Úc để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tôm nuôi phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo và chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm vùng đệm ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Ban chỉ đạo chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh tỉnh đã chỉ đạo huyện Hòa Bình triển khai tuyên truyền, tập huấn và vận động hộ nuôi tham gia thực hiện Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm vùng đệm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với cơ quan Thú y vùng VII thực hiện lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch bệnh và thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường theo kế hoạch.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tôm nuôi và kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất vùng đệm vẫn còn một số khó khăn, người dân chưa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích trong việc tham gia thực hiện chuỗi giá trị an toàn dịch bệnh; công tác tuyên truyền vận động hộ nuôi tôm vùng đệm chưa sâu rộng, dẫn đến chưa tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất chính là tỉnh Bạc Liêu sản xuất được tôm sạch để xuất khẩu sang Úc, tạo thương hiệu cho tôm Việt Nam, cụ thể là con tôm Bạc Liêu. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải chủ động hình thành, xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh đúng quy chuẩn. Trong vận động hình thành vùng đệm, doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân ưu tiên cho tôm giống an toàn sạch bệnh, không mang giống tôm không đảm bảo ngoài vùng vào. Cục trưởng Cục Thú y đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần rà soát, kiểm tra và ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch hành động kịp thời cho từng cấp, từng ngành, từng đơn vị để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh. Tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho hộ nuôi tôm trong vùng đệm để người dân an tâm, tin tưởng và tích cực hợp tác với doanh nghiệp, địa phương trong giám sát dịch bệnh vùng đệm. Tỉnh Bạc Liêu cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trọng tâm là phải thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm vùng đệm và sớm hình thành vùng đệm, nhất là việc lựa chọn giống an toàn dịch bệnh và quy trình xử lý môi trường nuôi hiệu quả, an toàn.
 
 
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh KN)
 

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung tiếp thu ý kiến của Cục trưởng Cục Thú y, đồng thời mong muốn Cục Thú y tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Bạc Liêu xây dựng hình thành cơ sở an toàn dịch bệnh tôm nuôi phục vụ xuất khẩu và kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất vùng đệm trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo tỉnh sẽ quyết tâm chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả chủ trương này. Đây là bài học kinh nghiệm cũng là động lực lớn để Bạc Liêu phấn đấu sớm trở thành thủ phủ tôm Việt Nam; đồng thời làm tiền đề triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn baclieu.gov.vn