Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình điều tiết nước phục vụ sản xuất
Cập nhật ngày: 31-05-2017
 
Trước tình hình mưa lớn trên diện rộng khiến diện tích lúa, tôm nuôi của nông dân nhiều nơi trên địa bàn hai huyện Phước Long và Hồng Dân bị thiệt hại, trưa 28/5, Chủ tịch UBND tỉnh, Dương Thành Trung đã khảo sát thực tế công tác điều tiết nước tại một số cống thủy lợi dọc Quốc lộ 1A.
 
Tại cống Cầu Số 2 (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) ông Dương Thành Trung trực tiếp khảo sát, ghi nhận ý kiến của người dân về thời gian đóng mở cống trong ngày. Theo phản ánh của người dân, từ sáng sớm ngày 28/5 đến thời điểm kiểm tra là 12 giờ, cống Cầu Số 2 vẫn đóng. Trong khi theo báo cáo của Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bạc Liêu, cống Cầu Số 2 mở từ 10 giờ và đóng lại sau 14 giờ hôm nay. Tiếp tục kiểm tra tại cống Cầu Sập (huyện Vĩnh Lợi) vào lúc 13 giờ, cống Cầu Sập đang mở và vận hành tiêu thoát nước. Lượng nước từ trong cống thoát ra khá lớn, mực nước trong và ngoài cống cũng chênh lệch nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh, Dương Thành Trung (người đội nón, bên trái) kiểm tra việc điều tiết nước tại cống Cầu Số 2, huyện Hòa Bình. Ảnh: MĐ
 
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mưa lớn trên diện rộng những ngày qua đã làm độ mặn ở khu vực nuôi tôm của nông dân huyện Hồng Dân, Phước Long bị ảnh hưởng. Ở nhiều nơi, tôm nuôi của nông dân chậm lớn và bị thiệt hại do thiếu độ mặn. Riêng trà lúa Hè thu vừa xuống giống, huyện Phước Long có khoảng 9.000 ha bị ngập úng, trong đó trên 4.000 ha có nguy cơ thiệt hại. Do đó, việc theo dõi sát sao và thực hiện điều tiết nước kịp thời là hết sức quan trọng. So với lịch điều tiết nước do Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bạc Liêu báo cáo về UBND tỉnh, thực tế kiểm tra cho thấy, 2 cống Cầu Sập và Cầu Số 2 vận hành không đúng lịch. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất cho người dân. Ông Dương Thành Trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phải tăng cường kiểm tra công tác điều tiết nước; cần quyết liệt hơn trong việc đưa nước ngọt ra để chống ngập cho vùng sản xuất lúa và đảm bảo độ mặn cho vùng nuôi tôm nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.


Theo http://www.baclieu.gov.vn