Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ nuôi ong ngoại theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Bạc Liêu”
Cập nhật ngày: 31-03-2017
 
Ngày 22/3, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ nuôi ong ngoại (Apis mellifera) theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Bạc Liêu” do Phó Giáo sư. Tiến sĩ Phan Phước Hiền, Giảng viên Chính Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Thạc sĩ Phạm Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài thực hiện tại 02 huyện: Hồng Dân và Phước Long.
 
Theo nội dung báo cáo khoa học của đề tài, hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 650 ngàn đàn ong ngoại, 250 ngàn đàn ong nội và 30 ngàn hộ nuôi ong ở 55 tỉnh/thành phố. Loài ong nội thích nghi với nguồn hoa rải rác, do đó được nuôi rộng rãi ở các vùng rừng núi, đồng bằng và ở cả thành phố. Ong ngoại cần nguồn mật hoa lớn, tập trung nên được nuôi chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Thời gian gần đây, ong ngoại được nuôi nhiều ở một số tỉnh miền Bắc.
  
Sản phẩm được tạo ra từ đề tài (ảnh KV)

Đến năm 2013, nghề nuôi ong ngoại lấy mật tại tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa được quan tâm. Trong khi đó, Bạc Liêu là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi. Cụ thể: Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết có 02 mùa mưa, nắng rõ rệt… Đặc biệt, Bạc Liêu có nguồn tài nguyên rừng thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn và động thực vật vô cùng phong phú. Theo đó, đề tài đã tập trung nghiên cứu: Điều tra cây nguồn phấn, cây nguồn mật chính; khảo sát tình hình chăn nuôi và cơ cấu giống ong ở tỉnh Bạc Liêu; nghiên cứu khả năng phát triển của giống ong ngoại; quy trình nuôi ong, khai thác, sơ chế sản phẩm; xây dựng quy trình phòng trị bệnh…

Như vậy, xây dựng và phát triển nghề nuôi ong ở tỉnh Bạc Liêu theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có của địa phương, đồng thời tạo ra việc làm, làm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm quý có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Với những hiệu quả kinh tế - xã hội của đề tài mang lại, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài “Nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ nuôi ong ngoại (Apis mellifera) theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Bạc Liêu” đạt 82,57 điểm, xếp loại Khá.

Theo http://www.baclieu.gov.vn