Triển khai Nghị định 34 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL
Cập nhật ngày: 30-09-2016
 
Ngày 28/9, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 34 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho gần 100 đại biểu là các chuyên viên làm công tác xây dựng văn bản QPPL, công chức pháp chế các sở, ngành tỉnh; Phòng Tư pháp và công chức phụ trách soạn thảo văn bản QPPL huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
 
 
 

Quang cảnh hội nghị
 
Tại buổi tập huấn, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Bá Ân trao đổi về những điểm mới của Luật ban hành văn bản QPPL và những nội dung trọng tâm của Nghị định 34 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở địa phương như: thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, hình thức văn bản QPPL, khái niệm quy phạm pháp luật, quy trình xây dựng, ban hành văn bản, các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực… Đồng thời, các đại biểu được triển khai quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND, quy trình soạn thảo văn bản QPPL của HĐND – UBND cấp tỉnh, huyện.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016; thay thế cho Luật Ban hành văn bản QPPL số 17/2008/QH12 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND số 31/2004/QH11. Luật này gồm 7 chương, 173 điều, có những điểm mới về: Thẩm quyền, hình thức văn bản QPPL; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL... Luật cũng chỉ rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Trên cơ sở Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 Nghị định 34 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 gồm 11 chương, 189 điều về: Những quy định chung; Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Lập đề nghị của chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; Công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; Dịch văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các điều khoản thi hành.
 


Theo http://www.baclieu.gov.vn/