CÔNG AN BẠC LIÊU
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Cập nhật ngày: 7-08-2023, lượt xem: 112
Ngày 04/8, tại UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu tặng quà lưu niệm cho
đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ
 
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu có đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; lãnh đạo các tỉnh/thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau.
 
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình MTQG cho 12/13 tỉnh/thành Vùng ĐBSCL là hơn 9.700 tỷ đồng (TP. Cần Thơ không bố trí ngân sách Trung ương). Trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện các Chương trình MTQG cho ĐBSCL trên 4.200 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bố trên 2.400 tỷ đồng, đạt 99,5%.
 
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu
 
Về tình hình giải ngân vốn năm 2023 là 1.055 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch; có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, 2 địa phương giải ngân dưới 15% (Bạc Liêu đạt 13%). Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giải ngân cao nhất với hơn 856 tỷ đồng, đạt 52%; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân thấp nhất với hơn 123 tỷ đồng, đạt 23%.
 
Sau hơn 2 năm triển khai các Chương trình MTQG, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng ĐBSCL giảm từ 7,61% xuống còn 5,73%; 3/13 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM (Trà Vinh, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ)… Qua triển khai, một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, điển hình như tỉnh Trà Vinh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bằng hình thức chuyển trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thuỷ sản đã nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân trên địa bàn; tỉnh Tiền Giang đã triển khai phòng trào thi đua “ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đưa luỹ kế sản phẩm OCOOP toàn tỉnh lên 200 sản phẩm; tỉnh Sóc Trăng chú trọng đối với hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn…
 
Tuy nhiên, quá trình triển khai các Chương trình MTQG cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như năng lực quản lý, tổ chức thực thiện Chương trình MTQG ở các địa phương chưa đồng đều. Tại một số cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra còn chưa sâu sát, thường xuyên, công tác phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh còn chưa được chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, trong huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG, một số địa phương rất khó khăn bố trí vốn đối ứng, huy động nguồn vốn doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, trong khi đó yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là rất cao…
 

 
Đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tổng vốn các Chương trình MTQG năm 2023 tỉnh Bạc Liêu là 373,196 tỷ đồng. Trong đó: nguồn ngân sách Trung ương 171,68 tỷ đồng, đối ứng ngân sách tỉnh là 199,484 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2023, nguồn vốn năm 2023 đã giải ngân được hơn 13 tỷ đồng, đạt 17,65%. Việc chậm giải ngân các nguồn vốn là do các ngành, địa phương trong tỉnh còn lúng túng trong việc thực hiện lồng ghép 3 Chương trình MTQG. Thời gian tới, Bạc Liêu cam kết sẽ nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG đạt kế hoạch đề ra.
 
 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương vùng ĐBSCL trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc lồng ghép các Chương trình MTQG để tạo ra những thành quả đáng phấn khởi. Chương trình MTQG là chương trình chung cho tất cả các địa phương, do đó trong quá trình triển khai thực hiện có nơi còn nhiều khó khăn, bất cập nên trong quá trình triển khai khó đến đâu thì xử lý đến đó, vừa làm vừa hoàn thiện chính sách; các địa phương phải thật sự quyết tâm trong thực hiện các Chương trình MTQG, học hỏi các địa phương đã triển khai thành công.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương vướng ở vấn đề nào thì gửi ngay cho bộ, ngành chủ quản vấn đề đó, đồng thời các bộ, ngành trong thời gian 7 ngày phải có văn bản trả lời cho các địa phương; các bộ liên quan xây dựng, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG bằng văn bản giấy và file mềm để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, quan điểm và tinh thần của Chính phủ là phân cấp cho các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình. Tuy nhiên, các bộ, ngành Trung ương sẽ phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguồn: baclieu.gov.vn


Các tin khác