CÔNG AN BẠC LIÊU
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cập nhật ngày: 27-04-2016
Xác định xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong những năm qua, Đảng ủy - Lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh đến cơ sở phải đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại cơ sở, chú trọng nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, có chất lượng cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội tạo thành thế trận ANND vững chắc tại cơ sở, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Bạc Liêu những năm qua, có nhiều mô hình mới "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT" có tác dụng thiết thực, hiệu quả đi vào cuộc sống, góp phần làm dừng, làm giảm nguyên nhân phát sinh, phát triển tội phạm, giữ gìn ANTT ở địa bàn dân cư.
 
Trong số 25 mô hình phòng chống tội phạm do Công an chủ công phối hợp với các ban, ngành đoàn thể xây dựng thì đã có tới 06 mô hình được Bộ Công an thẩm định công nhận đang phát huy hiệu quả tốt, Bộ Công an đã ra thông báo nhân rộng toàn quốc học tập, vận dụng. Trong đó Mô hình Câu lạc bộ "Người hoàn lương" ở phường Hộ Phòng, Thị xã Giá Rai là một điển hình, đầu tiên trong tỉnh, nay đã nhân rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 06 CLB có 160 thành viên tham gia, một cách làm sáng tạo trong công tác cảm hóa giáo dục những người đã từng vi phạm pháp luật, giúp họ lấy lại niềm tin trong cuộc sống, cải tạo tốt trở thành người có ích cho xã hội. Từ mô hình này đã được nhân rộng trong tỉnh và ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội bởi tính nhân văn sâu sắc.
 
Mô hình “Tổ tự quản Dòng tộc về ANTT” ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long được thành lập ngày 11/10/2011 trong vùng dân tộc người Khmer, đến nay đã nhân rộng trên các địa bàn Phường Hộ Phòng, thị xã Gía Rai, xã Vĩnh Trạch Đông thành phố Bạc Liêu; xã Lộc Ninh, xã Ninh Thạnh Lợi, thị trấn Ngan Dừa huyện Hồng Dân; xã Vĩnh Hậu, thị trấn Hòa Bình huyện Hòa Bình. 
 

 
 Mô hình “Tổ giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT” ở phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai được thành lập ngày 04/10/2012 ở địa bàn có nhà thờ và nhiều tín đồ theo đạo Thiên chúa đến nay đã được nhân rộng ở các địa bàn xã Tân Phong, thị xã Giá Rai; xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Mô hình “Tổ Ngư dân tự quản về ANTT trên biển” ở thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải được thành lập ngày 09/11/2012 trên địa bàn ven biển và ngư dân đánh bắt hải sản nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngư trường và nắm tình hình ANTT trên biển và 02 mô hình được tỉnh công nhận nhân rộng trong toàn tỉnh đó là Câu lạc bộ “Nữ phòng chống tội phạm” ở huyện Đông Hải có 32 Câu lạc bộ và “Cổng ANTT” ở huyện Phước Long có 83 cổng, hiện nay đã nhân rộng trong toàn tỉnh được 247 cổng ANTT. Ngoài ra còn có 10 mô hình của các ngành, đoàn thể phối hợp Công an xây dựng như mô hình của Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên, Hội CCB, Hội Nông Dân và Ngành Lao động Thương binh & Xã hội…

 
Nhìn chung các mô hình điển hình tiên tiến “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT” được xây dựng theo chủ trương của cấp ủy Đảng, được chính quyền địa phương ra quyết định công nhận. Các mô hình này đều có xây dựng quy chế hoạt động cụ thể và thường xuyên tổ chức tập huấn về chức năng, nhiệm vụ cho các thành viên của các mô hình về kỹ năng tham gia quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, làm tốt công tác hòa giải những mâu thuẩn tranh chấp trong nội bộ nhân dân tại địa bàn dân cư theo đúng quy định của pháp luật và trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội, nhằm đảm bảo ổn định tình hình ANTT, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp tạo điều kiện giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi …để phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Có thể nói việc xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm là một yêu cầu khách quan, phù hợp với đặc điểm tình hình ANTT của từng địa bàn dân cư; đáp ứng nguyện vọng và điều kiện khả năng tham gia của quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân trên lĩnh vực ANTT.


 
Tuy nhiên, hằng năm qua công tác sơ tổng kết và thực tế công tác kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại trong quy trình, thủ tục lập hồ sơ xây dựng mô hình như xây dựng kế hoạch, báo cáo khảo sát, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình, quy chế hoạt động…(theo hướng dẫn số 70/CABL, ngày 08/3/2011 của Giám đốc Công an tỉnh), có nơi đã xây dựng tổ chức ra mắt mô hình nhưng không thường xuyên duy trì sinh hoạt định kỳ hoặc không tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và định hướng hoạt động thời gian tới… từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình. Trong đó cần chú ý quan tâm nhất là các mô hình do các ngành, đoàn thể phối hợp với Công an xây dựng tại cơ sở; tuy nhiên hiện nay có một số mô hình không  hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, do không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần phải loại bỏ, nhưng chưa làm thủ tục, quy trình để ra quyết định đình chỉ hoạt động của mô hình tại địa bàn dân cư.

Để tiếp tục nâng cao nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm trong thời gian tới, cần phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
 
Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến. Trọng tâm là tuyên truyền vai trò, vị trí của các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn ANTT; về kết quả, kinh nghiệm; về phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” do Bộ Công an phát động.
 
Hai là: Tổ chức cho cán bộ chiến sỹ, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác tham mưu, hướng dẫn như lực lượng chuyên trách phong trào, Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Công an xã, phường… Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến được quy định trong Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị 09/CT- TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”, Chỉ thị 03CT/BNV của Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong PCTP giai đoạn 1998 - 2008... để từ đó làm tốt công tác tham mưu hướng dẫn, tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương, đơn vị.
 
Ba là: Các mô hình, điển hình phải gắn kết, hoà nhập cùng phát triển với các phong trào khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới”, “xoá đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”… phù hợp với từng vùng, lĩnh vực, chuyên đề, điều kiện mới về kinh tế - xã hội. Phải hợp lòng dân, vừa sức dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia nhiều hơn, tốt hơn, tự giác hơn.
 
Bốn là: Tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn hoạt động hiện hành của các loại tội phạm cho nhân dân biết, để nhân dân tham gia tố giác tội phạm với nhiều hình thức như thông qua diễn đàn Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân; tăng cường tổ chức họp dân phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đưa đối tượng sai phạm ra kiểm điểm trước dân, đẩy mạnh tuyên truyền vận động cá biệt từng hộ, từng người; bằng loa di động và các phương tiên thông tin đại chúng; phát phiếu tố giác tội phạm, công khai số điện thoại, đường dây nóng của Công an các cấp…để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân cung cấp những nguồn tin quan trọng có liên quan đến tình hình ANTT giúp cho lực lượng Công an kịp thời đấu tranh điều tra làm rõ và chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm ngay tai cơ sở. Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp tham gia vào các tổ chức quần chúng giữ gìn ANTT và kiểm tra giám sát tình hình ANTT tại địa phương.
 
Năm là: Thường xuyên tổ chức rà soát đánh giá phân loại thực trạng chất lượng hoạt động của mô hình để có kế hoạch xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình phát huy tác dụng tốt, nâng chất lượng hoạt động của mô hình trung bình, loại bỏ mô hình hoạt động kém, đồng thời nghiên cứu, phát triển mô hình mới phù hợp. Công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, là con đường ngắn nhất để thúc đẩy phong trào phát triển lên một bước mới; là nhiệm vụ thiết thân của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ ANTT./. 

Đại tá Trần Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Các tin khác