Chuyện thu hồi “vũ khí nóng” ở Mộc Châu
Cập nhật ngày: 27-09-2020
 
Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa của địa bàn vẫn có thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy mà không lường hết mối nguy hiểm, vi phạm pháp luật.
 

Với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Công an huyện Mộc Châu đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
 

Chúng tôi có mặt tại Công an huyện Mộc Châu những ngày giữa tháng 9, đây là thời điểm Mộc Châu thi thoảng lại đón những cơn mưa rừng tầm tã. Dù con đường đi vào các xã, bản lầy lội, trơn trượt nhưng các cán bộ, chiến sỹ của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH), Công an huyện Mộc Châu vẫn đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ (VK-VLN-CCHT) đang tàng trữ, sử dụng trái phép. Bên cạnh đó, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, sản xuất và mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tất cả các xã, bản.
 

Từ năm 2016 đến nay, các cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã phối hợp với các xã tổ chức vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đến các cá nhân, hộ gia đình; phối hợp với các già làng, trưởng bản, những người có uy tín đến vận động các gia đình và tuyên tuyền các tác hại, hậu quả xảy ra khi sử dụng VK-VLN-CCHT đối với người dân và đối với tính mạng con người… Qua 39 cuộc vận động toàn dân thu hồi VK-VLN-CCHT đơn vị đã thu hồi được 1.056 khẩu súng kíp, 498 súng cồn, 8 súng quân dụng, 6 súng tự chế, 11 quả lựu đạn, 96 nòng súng, cò súng và một số vũ khí thô sơ khác…

 

Người dân tự giác tới giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
 

Chia sẻ với chúng tôi về công tác quản lý, vận động giao nộp VK-VLN-CCHT, Trung tá Đào Thị Hải Yến, Đội trưởng Đội CSQLHC về TTXH, Công an huyện Mộc Châu cho biết: Với đặc điểm địa bàn vùng cao biên giới, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhiều dân tộc anh em chung sống như Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú… trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều người dân vẫn còn cất giấu, sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn thú rừng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
 

“Tại một số xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu, sử dụng khi làm nghi lễ ma chay, hoặc vẫn có thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy nên số lượng VK-VLN-CCHT vẫn còn tồn động trong nhân dân. Nắm bắt được tình hình đó, Công an huyện Mộc Châu đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Pháp lệnh 16 nay là Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…”, Trung tá Đào Thị Hải Yến chia sẻ.
 

Do đặc điểm vùng cao, nhiều xã, bản xa xôi, đường núi rừng đi lại khá khó khăn, chỉ có thể tăng bo bằng xe máy và cuốc bộ. Vào mùa mưa, việc tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tàng trữ và sử dụng súng tự chế trái phép gặp nhiều trở ngại. Chưa kể, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, ban ngày lên rẫy, tối mịt mới về nhà, vậy nên tổ công tác chỉ còn cách kiên trì bám bản, tổ chức tuyên truyền vận động vào buổi tối…
 

Huyện Mộc Châu có 3 xã giáp biên giới với trên 40km tiếp giáp với nước bạn. Theo Trung tá Đinh Văn Hiển, Phó Trưởng Công an huyện Mộc Châu, chính vì đường biên giới dài nên các đối tượng mua bán ma túy hay lợi dụng làm địa bàn trung chuyển, thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam. Các đối tượng này cũng như số đối tượng có lệnh truy nã hiện đang lẩn trốn đã tự trang bị vũ khí quân dụng, lựu đạn, quả nổ tự tạo để phục vụ việc vận chuyển, buôn bán ma túy, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vậy nên công tác quản lý VK-VLN-CCHT vẫn còn tồn tại những khó khăn.
 

Để khắc phục khó khăn trong công tác vận động nhân dân giao nộp VK-VLN-CCHT, theo Trung tá Đinh Văn Hiển, trực tiếp Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với Công an các xã, thị trấn tiến hành đến địa bàn, tuyên truyền phát phiếu tố giác. Trước đây, đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, đơn vị phải cử các đồng chí cán bộ biết tiếng dân tộc để xuống vận động tuyên truyền. Hiện đa phần các đồng chí Công an xã mới được điều động từ lực lượng Công an chính quy được tuyển chọn kỹ càng, biết khá nhiều thứ tiếng dân tộc, vậy nên việc phối hợp tuyên truyền bớt được khá nhiều khó khăn. 
 

“Đối với những hộ thường xuyên đi làm và ở lại lán nương thì Công an huyện phối hợp với Công an xã, thị trấn, chính quyền địa phương đến trực tiếp hộ gia đình hoặc lán nương vào buổi tối để vận động, trường hợp qua tố giác của quần chúng nhân dân phát hiện, đã tổ chức tuyên truyền giao nộp nhưng không tự nguyện giao nộp, tiến hành vận động cá biệt để quần chúng nhân dân tự giác giao nộp…” - Trung tá Đinh Văn Hiển cho biết.
 

Điển hình như mới đây, trường hợp của anh Đinh Công Triển, trú tại xã Tân Hợp, đã tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng kíp sử dụng để đi săn thú của bản thân. Súng kíp được anh Triển cất tại lán nương của gia đình cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng. Nhận được thông tin Đội CSQLHC về TTXH, Công an huyện Mộc Châu đã nhanh chóng phối hợp với Công an xã Tân Hợp đến tận lán nương nơi anh Triển cất giữ súng kíp để vận động và thu hồi khẩu súng nói trên.




Nguồn: cand.com.vn