Lực lượng Công an góp phần đưa Ngày hội đi vào cuộc sống, hướng về cơ sở
Cập nhật ngày: 6-08-2020
 
Trong 15 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) từng bước đi vào cuộc sống, tổ chức hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH).
 

Công an các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo “Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” cùng cấp ban hành kế hoạch, hướng dẫn nội dung, hình thức, thời gian tiến hành tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” hằng năm gắn với các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và kỷ niệm Ngày truyền thống CAND (19-8).
 

Lực lượng CAND đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quán triệt, thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ.
 

Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An giúp dân sửa chữa nhà cửa sau lũ.
 

Cụ thể là xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở”; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị; xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
 

Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Hướng dẫn số 72-HD/BCA(V11), ngày 1-8-2005, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”; Kế hoạch số 110-KH/BCA(X11), ngày 16-12-2005 về thực hiện Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg, ngày 13-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận số 86-KL/TW, ngày 5-11-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 14-10-2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Kết luận số 44-KL/TVV, ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21-1-2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH...
 

Các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã được cấp ủy, chính quyền, Công an các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt, từ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng, địa bàn, tầng lớp dân cư.
 

Nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin (báo điện tử, mạng xã hội...) để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được đẩy mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn và đối tượng phát động. Phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ” nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, thôn, xóm... trong toàn quốc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.
 

Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ hằng năm được các địa phương tổ chức bảo đảm yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” và Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ; đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ ANTT; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo ANTT.
 

Y, bác sĩ Bệnh viện Công an TP Cần Thơ khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân.
 

Trong Ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc; thi đấu thể thao; trò chơi dân gian; diễn tập phòng chống cháy nổ; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thi tìm hiểu pháp luật về ANTT... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn... Chính vì vậy, Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ đã trở thành phong trào rộng khắp, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là ngày hội của nhân dân.
 

Có thể nói, Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ đã góp phần quan trọng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảmTTATXH. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã xác định phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” là cơ sở rất quan trọng để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; là biện pháp cơ bản, quan trọng để đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu.
 

Trong giai đoạn 2006 - 2018, các tổ chức đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Công an các cấp đã ban hành 157.171 văn bản chỉ đạo, tổ chức xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Cả nước đã xây dựng được trên 2.000 mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” với nhiều hình thức khác nhau.
 

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến là điểm sáng, gương sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội hóa cao, được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước, được nhân dân tham gia tích cực và đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là các mô hình: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT”; “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT”; Ban, Tổ Bảo vệ dân phố, Đội Dân phòng, Tổ hòa giải; “Dòng họ, tộc họ tự quản về ANTT”; “Tổ, nhóm liên gia tự quản về ANTT”, “Camera phòng, chống tội phạm”...


Nguồn: cand.com.vn