Chiến tranh đã lùi xa song nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn bom đạn, vật liệu nổ sót lại; nhiều người vẫn theo nghề rà tìm, buôn bán phế liệu để mưu sinh. Từ sau giải phóng đến nay, toàn tỉnh có trên 8.500 trường hợp bị thương vong trong quá trình sản xuất, rà tìm, cất giữ, buôn bán phế liệu chiến tranh, không may bị bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại phát nổ.
Để ngăn chặn những cái chết thương tâm, đảm bảo ANTT địa bàn, những năm qua, Công an huyện Đakrông phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã trên địa bàn vận động người dân chấm dứt các hoạt động rà tìm, tàng trữ, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ (VK, VLN)…
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Công an huyện Đakrông, chia sẻ rằng, sau khi được tuyên truyền, động viên, nhiều người dân đã chuyển đổi kế mưu sinh, từ bỏ “nghề” rà tìm, buôn bán phế liệu chiến tranh; mỗi khi phát hiện bom đạn, VLN còn sót lại bà con tích cực báo với chính quyền, ngành chức năng địa phương để kịp thời xử lý. Các điểm thu gom, buôn bán phế liệu chiến tranh ở trung tâm cụm xã Tà Rụt đã dần được xóa bỏ.
|
Người dân xã A Ngo, huyện Đakrông tự giác giao nộp vũ khí tự chế cho Công an. |
Việc một số người tự chế tạo, sử dụng VK, công cụ hỗ trợ (CCHT) trong cuộc sống với nhiều lý do, mục đích khác nhau cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ cao làm mất ANTT, gây ra các hậu quả xấu trong cộng đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của toàn xã hội.
Trước tình hình trên, hằng năm, Công an huyện Đakrông đều triển khai thực hiện các kế hoạch, hoạt động vận động người dân giao nộp VK&CCHT. Kết quả thu được là rất đáng mừng. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2020, người dân trên địa bàn đã tự nguyện giao nộp 8 khẩu súng tự chế các loại.
Ban chỉ huy đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH phối hợp với Công an 12 xã, 1 thị trấn trên địa bàn vận động người dân giao nộp VK, VLN, CCHT; trong đó chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức, thể hiện phong phú, như tuyên truyền trên loa truyền thanh, treo băng rôn, phát tờ rơi kèm hình ảnh phản ánh sinh động các thông tin, nội dung cần truyền đạt, giáo dục ý thức, nâng cao kiến thức cho người dân về chủ đề này.
Già làng Hồ Văn Lợi ở thôn Cu Tài 1, xã A Ngo (Đakrông) cho hay, qua công tác vận động, tuyên truyền của cơ quan Công an, ông và người dân trong thôn, xã có điều kiện hiểu rõ hơn về các quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2017.
Hiện tại, đa số hộ dân ở địa phương đã chấp hành và tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT; đồng thời ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, cung cấp thông tin những trường hợp cố tình tàng trữ, không giao nộp VK, VLN, CCHT cho chính quyền địa phương và lực lượng Công an…
Theo đánh giá của Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Đakrông thực hiện khá tốt công tác vận động người dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT tự chế. Trước đó, vào năm 2018, người dân trên toàn địa bàn huyện này đã tự giác giao nộp cho lực lượng Công an hơn 120 vũ khí, hung khí nguy hiểm các loại gồm vũ khí quân dụng, súng kíp, súng hơi tự chế.
Cùng với Công an huyện Đakrông, Công an huyện Vĩnh Linh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng nghi vấn về hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Từ giữa năm 2019 đến nay, riêng người dân trên địa bàn xã miền núi Vĩnh Ô đã tự giác giao nộp cho cơ quan Công an 1 khẩu súng quân dụng, 4 khẩu súng tự chế, 2 nòng súng và 9 máy xung điện. Ở các huyện Hướng Hóa, Triệu Phong và Gio Linh, việc một số đối tượng lén lút thu gom, buôn bán phế liệu, VLN sót lại trong chiến tranh rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro, tai nạn thương vong cho người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) cho biết, địa phương có số bom đạn, VLN trong chiến tranh còn sót lại trong lòng đất khá lớn. Những năm qua, cùng với việc một số người dân làm nghề rà tìm phế liệu, một số đối tượng lén lút, hình thành nên các bãi thu gom, thu mua phế liệu, VLN trái phép.
Đơn cử, khi chính quyền, cơ quan chức năng địa phương phát hiện, bãi thu mua của bà Nguyễn Thị Q. ở khóm Ka Tăng chỉ sau một thời gian ngắn đã như một “kho bom” với nhiều đầu đạn chưa phát nổ, rất nguy hiểm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có trên 260 đầu đạn pháo, bom các loại đều còn nguyên kíp nổ và ngòi nổ, đang có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào, với khả năng sát thương rất lớn. Sau khi di dời, xử lý nổ an toàn, chính quyền đã xử phạt hành chính nghiêm khắc trường hợp này, đồng thời theo dõi, giám sát hộ dân này không được thu gom, thu mua phế liệu, VLN trái phép, đến nay, nhờ làm tốt công tác vận động, thông tin, tuyên truyền pháp luật, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, người dân ở địa phương đã không còn những sai phạm này…
Nguồn cand.com.vn