CÔNG AN BẠC LIÊU
Phát huy vai trò thành viên BCĐ 327, nâng cao hiệu quả công tác truy bắt đối tượng truy nã
Cập nhật ngày: 21-01-2020
Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Phòng truy nã, truy tìm cho biết, thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT, bảo vệ tuyệt đối Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Phòng truy nã, truy tìm đồng loạt ra quân truy bắt đối tượng trên địa bàn toàn quốc...

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, công tác truy nã tội phạm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT và an toàn xã hội. Trong năm 2019, Phòng truy nã, truy tìm của Cục đã truy bắt, vận động đầu thú được 163 đối tượng truy nã, trong đó có 60 đối tượng truy nã do cơ quan điều tra Việt Nam ra quyết định và 103 đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài.
 

Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Phòng truy nã, truy tìm cho biết, thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT, bảo vệ tuyệt đối Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Phòng truy nã, truy tìm đồng loạt ra quân truy bắt đối tượng trên địa bàn toàn quốc.
 

Kết quả, sau 15 ngày đầu thực hiện cao điểm đã triệt phá một số chuyên án, bắt giữ được 10 đối tượng truy nã, trong đó có 9 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm là người Việt Nam và 1 đối tượng truy nã người nước ngoài. Các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm luôn thể hiện tính chất lưu manh, côn đồ và thường xuyên lẩn trốn tại những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, nơi rừng núi hẻo lánh. Các đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng truy bắt.
 

Điển hình, khoảng tháng 8-2019, Phòng truy nã, truy tìm nhận được quyết định truy nã của Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị phối hợp bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Bá Thành (SN 1971), trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, can tội giết người và khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, lệnh truy nã ngày 8-8-1996.
 

Ngay sau đó, tổ công tác đã lên kế hoạch, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm đối tượng. Tuy nhiên, việc truy bắt đối tượng truy nã Nguyễn Bá Thành gặp nhiều khó khăn do không có ảnh nhận dạng, vụ án xảy ra đã 23 năm trước, hồ sơ tư liệu về đối tượng rất ít.
 

Sau một thời gian điều tra, các trinh sát của Phòng nhận được nguồn tin của quần chúng nhân dân về một người đàn ông khả nghi đang làm công nhân tại khu vực mỏ than thổ phỉ thuộc địa bàn phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
 

Ngay sau đó, tổ công tác đã xuống địa bàn nắm tình hình, chắp nối các thông tin, phát hiện người đàn ông này có nhiều điểm trùng khớp về họ tên, nhân thân… giống đối tượng Thành. Ngày 19-12-2019, khi xác định chính xác đối tượng, tổ công tác đã tiến hành bắt giữ.
 

Tại cơ quan Công an, Thành khai nhận, 23 năm đối tượng đã lẩn trốn nhiều nơi, sau đó về làm công nhân tại khu vực mỏ than thổ phỉ. Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, Thành ít ra ngoài giao lưu, chỉ ở trong khu vực mỏ than và nhiều năm nay không về thăm vợ con.
 

Đáng chú ý, ngày 20-12-2019, Phòng truy nã, truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành bắt giữ đối tượng truy nã Nguyễn Văn Lộc, trú tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, can tội trộm cắp tài sản XHCN. Sau đó, Nguyễn Văn Lộc bị kết án 20 năm tù nhưng đã trốn khỏi nơi giam giữ.
 

Ngày 1-11-1983, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã. Sau 36 năm lẩn trốn tại nhiều địa phương, đối tượng thay tên là Trương Quốc Hữu Tài, có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước. Sau đó, đối tượng lang thang lên TP Hồ Chí Minh kiếm ăn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Lộc khi đang đi bán vé số dạo tại khu vực phường Bình Trưng Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
 

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác truy nã, truy tìm, thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương phát huy vai trò nòng cốt thành viên Ban Chỉ đạo 327 để kịp thời tham mưu, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự trong địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác xác minh, truy bắt đối tượng truy nã…
 

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương gặp gỡ, thăm hỏi, động viên gia đình có người thân là đối tượng truy nã để tuyên truyền chính sách khoan hồng của pháp luật nhằm vận động đối tượng đang bị truy nã ra đầu thú… 
 

Tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác truy nã nói riêng, nhất là với Interpol. Nghiên cứu xây dựng, ký kết tham gia các Hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm và dẫn độ tội phạm. Đảm bảo hành lang pháp lý song phương, đa phương thuận lợi cho việc phối hợp truy bắt, dẫn giải các đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại.


Nguồn cand.com.vn
Các tin khác