Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi
Cập nhật ngày: 5-11-2018
 
Có người khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về địa phương bị hàng xóm rẻ khinh, xa lánh. Cá biệt, ngay cả anh em ruột thịt trong nhà cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm, sợ bị làm phiền, sợ phải cưu mang, bao bọc.
 

Từ đó, người lầm lỗi mặc cảm, tự ti, oán hận nên rất dễ buông xuôi. Không có việc làm nuôi sống bản thân, nhiều người bỏ xứ đi biền biệt. Có kẻ lại theo chân đám giang hồ sống bằng nghề bất chính và cũng không ít người tái phạm như là cách để trả thù đời, trả thù người thân đã hắt hủi họ. 
 

Chính cái vòng luẩn quẩn đó đã tạo ra những con người “ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà”, ngày càng gây nguy hại cho gia đình và xã hội. Thế nên, công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT là hết sức quan trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương luôn đặt lên hàng đầu trước khi muốn địa bàn ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 

Để vượt lên chính mình
 

Ông Lê Thừa Hùng (45 tuổi, quê quán Quảng Trị) là người có quá khứ khá “dữ dội”. Mới hơn 10 tuổi đầu, do không chịu được đòn roi của người cha dượng, Hùng bỏ nhà đi bụi, gia nhập vào nhóm giang hồ chuyên bảo kê nhà hàng, massage ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Do tham gia vào những cuộc “hỗn chiến” tranh giành địa bàn, năm 1992, Hùng phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam.
 

Ra tù, chẳng biết về đâu nương tựa, Hùng đành “ngựa quen đường cũ” và không bao lâu sau lại phạm tội như lần đầu, tiếp tục ngồi tù thêm 1 năm 6 tháng. Ra tù lần 2 vào năm 1997, trong khi đám giang hồ đồng phạm vẫn còn trong trại giam, Hùng rời Quảng Trị vào thành phố Huế gia nhập một băng giang hồ khác cũng “hành nghề” bảo kê. 
 

Để thử thách đàn em mới, đại ca ở đây giao cho Hùng thanh toán một nhóm đối thủ và một lần nữa Hùng bị bắt với tội danh “Cố ý gây thương tích”. Án lần này nặng hơn, 3 năm 6 tháng tù giam.
 

Ông Lê Thừa Hùng (bên trái) hướng dẫn học viên học nghề điêu khắc.

Vốn mê nghề điêu khắc gỗ nên sau khi chấp hành xong án tù, Hùng đến trọ ở huyện Hóc Môn, làm không công cho các cơ sở điêu khắc để kiếm cơm ngày hai bữa nhằm theo đuổi nghề. 
 

Bằng quyết tâm mạnh mẽ, 2 năm sau, tay nghề của ông Hùng đã thuộc dạng khá và được nhận vào làm việc chính thức tại xưởng điêu khắc kỹ nghệ gỗ tại quận 12. Tích lũy dần kinh nghiệm, 3 năm sau, ông Hùng quyết định thành lập cơ sở điêu khắc gỗ riêng gần nơi ở trọ.
 

Và khi đã trở thành một người chủ đúng nghĩa, thấu hiểu được nỗi lòng của những người từng lầm lỗi như mình, ông Hùng quyết định sẽ dùng hết tâm sức để giúp đỡ họ. 
 

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, ông bắt đầu những chuyến đi làm từ thiện ở các trại giam, cơ sở dạy nghề, cơ sở cai nghiện... và mời những người sau khi CHXAPT, sau cai nghiện đến cơ sở mình để học nghề. 
 

Người học sẽ được bao ăn ở, chu cấp tiền tiêu vặt và sau 2 năm có được tay nghề đi làm với mức thu nhập từ 9-15 triệu đồng/tháng. Từ năm 2005 đến nay, ông Hùng đã giúp đỡ đào tạo nghề cho gần 400 người, trong đó có 130 người CHXAPT, gần 100 em nhỏ mồ côi, lang thang.
 

Ngoài trường hợp ông Hùng, ở TP Hồ Chí Minh có rất nhiều người lẫm lỗi trở lại với cộng đồng và làm những việc có ích cho gia đình, xã hội tùy theo sức của mình. Anh Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1985, ngụ xã Bình Hưng, Bình Chánh), sau khi CHXAT 10 năm về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” trở về địa phương hành nghề chạy xe ôm kiếm sống.
 

Không chỉ đoạn tuyệt với ma túy, anh còn tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Từ năm 2013 đến nay, anh đã cung cấp 92 tin an ninh trật tự tại địa phương giúp công an địa phương bắt giữ 7 đối tượng trộm cắp tài sản, xóa sổ 11 tụ điểm tệ nạn xã hội; trực tiếp cùng một số người khác bắt 2 đối tượng trộm tài sản và 1 đối tượng cướp giật giao công an xử lý.
 

Một điển hình khác là anh Lê Hoàng Châu ở quận 10, sau khi ra tù anh cố gắng hết mình để xây dựng cuộc sống mới. Từ số vốn nhỏ ban đầu, hiện anh đã thành lập công ty tạo việc làm ổn định cho nhiều người có hoàn cảnh như mình.
 

Không chỉ có những người lầm lỗi tự vươn lên và giúp đỡ người cùng cảnh ngộ mà còn nhiều cá nhân, tập thể khác hiểu được nỗi lòng của người lầm lỗi đã ra sức cảm hóa, hỗ trợ bằng tinh thần, vật chất cho khá nhiều người. Tất cả những gì họ làm là từ sự thiện nguyện, tuy nhiên, chính các mô hình cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong những con người có trái tim nhân hậu.
 

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Lê Văn Minh (ngụ P. 11, Q. Bình Thạnh) người chấp hành xong án phạt tù ổn định với nghề cắt tóc.

Cần hơn nữa mô hình hay
 

Ở TP Hồ Chí Minh, mô hình “5+1”, tức “quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” xuất hiện đầu tiên ở quận 10 cách đây 10 năm. Đối tượng áp dụng bao gồm người CHXAPT, người sau cai nghiện, người hành nghề mại dâm và các đối tượng thuộc thành phần bất hảo tại địa phương. 
 

Để thực hiện mô hình, các ban ngành, đoàn thể (chủ lực là công an) quận, phường là thành viên tham gia xây dựng chương trình, biện pháp, cách tiếp cận với những người cần giúp đỡ. 
 

Qua đó động viên, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, các vướng mắc, khó khăn... của người lầm lỗi và đề ra hướng giúp đỡ họ phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Đến năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT thì mô hình này được nhân rộng ra toàn thành phố. Riêng các huyện ngoại thành Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn có thêm thành viên là Hội Nông dân nên nâng thành “Mô hình 6+1”.
 

Từ thành công của mô hình “5+1”, nhiều địa phương đã sáng tạo thêm nhiều mô hình khác cũng đạt được hiệu quả rất khả quan. Như mô hình “Lắng nghe và chia sẻ” của Công an phường 9, quận 6, giúp đỡ 122 người lầm lỗi, đến nay có 45 người tiến bộ rõ rệt, có công ăn việc làm ổn định. 
 

Mô hình “xe bánh mì cộng đồng” của Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng phối hợp với Báo Công an TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Từ năm 2012 đến nay đã tặng 103 xe bán bánh mì cho người CHXAPT, người nghèo, người cai nghiện hồi gia. 
 

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp này còn trao quà, tiền cho 310 người và trợ giúp pháp lý cho hơn 500 lượt người... Mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình” do Chi bộ khu phố 3, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú thành lập đã hoạt động khá hiệu quả, giúp đỡ cho hàng chục người lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra 256 tổ dân phố...
 

Cảnh sát khu vực quận Bình Thạnh thường xuyên thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù an tâm làm việc, sinh sống.

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP có 34.430 người CHXAPT đang cư trú, trong đó có 18.943 người CHXAPT chưa xóa án tích. Từ công tác giúp đỡ họ qua các mô hình, đến nay đã có 23.861 người tiến bộ, 628 người trong số này tham gia công tác phong trào tại địa phương; 316 người lập nhiều thành tích xuất sắc trong giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương được tặng bằng khen các cấp. 
 

Bên cạnh giúp đỡ về vật chất, trong giai đoạn 2011-2017, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... đã hỗ trợ, cho vay vốn 701 người với số tiền gần 1,2 tỷ đồng, giới thiệu việc làm cho 4.842 người; đào tạo nghề cho 2.270 người; định hướng nghề nghiệp cho 14.111 lượt người... Đến nay, trong số 18.943 người CHXAPT chưa xóa án tích có 12.586 người có việc làm ổn định.
 

Đánh giá về công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP cho rằng, tuy đã đạt được kết quả khả quan nhưng vẫn còn khá nhiều hạn chế, khó khăn. Lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội chưa làm hết mình; một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các mô hình giúp đỡ người CHXAPT. 

Ngoài ra, công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định 80/CP đến cấp ủy, chính quyền cơ sở và quần chúng nhân dân ở một số nơi chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Từ đó chưa huy động hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, Trung tướng Lê Đông Phong cho rằng, cần có thêm những mô hình hay nữa thì mới phát hiện thêm nhiều nhân tố mới, điển hình trong công tác này.

Nguồn cand.com.vn