“20 năm nữa Hà Nội mới hết ùn tắc là quá chậm!”
Cập nhật ngày: 14-08-2012
 

Đạt bình quân 26 - 28m2 nhà ở/người vào năm 2015, giải quyết cơ bản vấn đề ách tắc giao thông vào năm 2030… là những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nhận được nhiều ý kiến “mổ xẻ” nhất tại Hội đồng nhân dân Thành phố.

 
Sáng 20/4, HĐND TP Hà Nội đã cho ý kiến về Chiến lược và Quy hoạch tổng thế phát triển Kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030.
 
Về mục tiêu về nhà ở, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng, đạt 26 - 28m2/người vào năm 2015, 31m2/người vào năm 2020 chỉ là… “xây”. Bởi lẽ, theo ông Ny, vấn đề quan trọng là học sinh, sinh viên, công nhân viên chức có thu nhập trung bình liệu có mua được nhà.
 
“Nếu chỉ xây dựng bỏ đấy hoặc rơi vào tay một số người giàu, nhưng vẫn đem chia trung bình thì không ổn”, ông Ny băn khoăn.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan cũng băn khoăn, “số m2 nhà ở /người là tính diện tích đang ở hay đang nằm ở đâu đó”. Hơn nữa, theo bà Loan, đặt mục tiêu 31m2/người có phải là tới đây sẽ xây nhiều đô thị và nếu như vậy có phù hợp hay không?
 
Chuyển sang vấn đề giao thông, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng, so với năm 2000, văn hóa giao thông hiện nay chưa bằng và vi phạm giao thông tăng hơn. Liệu đến các năm 2020 và 2030 Hà Nội có giải quyết được vấn đề này hay không là câu hỏi ông Ny đưa ra.
 
Cũng theo ông Ny, mục tiêu đến năm 2030 mới không còn ách tắc giao thông là quá chậm. “Chẳng nhẽ phải mất đến 20 năm tức 4 lần kế hoạch 5 năm chúng ta mới giải quyết được vấn đề bức xúc này”, ông Ny nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Phạm Thị Loan cũng cho rằng, 20 năm nữa mới giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông là “không thiết thực”.
 
Chuyển sang vấn đề tổng thể, bà Loan nhìn nhận, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thiên về trung tâm dân cư, kinh tế, trong khi nhiều vấn đề khác không có số liệu cụ thể, không có giải pháp.
 
Bà Loan dẫn chứng, vấn đề ngập úng, thoát nước vốn gây bức xúc dư luận đến khi nào sẽ giải quyết được. Về đường xá sẽ làm thêm bao nhiêu mét và sẽ đạt tỉ lệ như thế nào?...
 
Theo bà Loan, phải có số liệu cụ thể để chứng minh cũng như các giải pháp đưa ra mới có thể thuyết phục mọi người, thành phố vẽ ra là thực, chứ không phải là bức tranh.
 
Trong khi đó, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng, trong các mục tiêu đưa ra chưa có vấn đề “sạch” mà theo ông “giàu, nhưng không sạch sẽ hết sức nguy hiểm”. Hơn nữa, chiến lược phát triển kinh tế này vẫn còn bỏ rơi khu vực nông thôn…
 
Với các phân tích của mình, đại biểu Hanh lo ngại, sự phát triển như chiến lược đặt ra sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như phát triển Thủ đô to, nhưng không mạnh, thị trường bất động sản rối loạn với hàng loạt dự án phân lô, bán nền…
 
Về vấn đề nguồn lực, đại biểu Hanh cũng cho rằng, thu hút nguồn lực để có được con số 160 tỷ USD cho hai giai đoạn phát triển tới đây cũng là rất khó. Trong khi đó, nếu không đảm bảo được nguồn lực sẽ rất khó cho việc thực hiện mà thực tế đã có nhiều bài học.
 
Dẫn chứng ông Hanh đưa ra là sau 10 năm thực hiện quy hoạch, đường Láng - Hòa Lạc vẫn còn dang dở, Đại học Quốc gia chưa giải phóng mặt bằng, làng Văn hóa các dân tộc đã có mặt bằng, nhưng vẫn để đó…
 
Đại biểu Bùi Thị An nhìn nhận Thủ đô có rất nhiều tiềm năng về chất xám vì thế cần nhấn mạnh mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo có chất lượng cao… “Nếu không đi đầu về những lĩnh vực này, Hà Nội không thể đi đầu về những lĩnh vực khác”, bà An nói.
 
Trước những ý kiến phản biện của các đại biểu, Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ trong phần chốt lại phiên thảo luận đã thuyết phục rằng, sẽ “đính kèm” biên bản phiên thảo luận với Nghị quyết về Chiến lước phát triển KT - XH.
 
Tiếp đó, HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết với 110/159 đại biểu tán thành.
 
Dự kiến đến năm 2010 dân số Hà Nội khoảng 7,9 triệu người (trong đó dân số đô thị khoảng 4,3 triệu người). Đến năm 2030 dân số Hà Nội khoảng 9,4 triệu người (trong đó dân số đô thị khoảng 6,4 triệu người).
 
Về mục tiêu phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 10%/năm, đạt 9% trong thời kỳ 2016 - 2020 và khoảng 8% thời kỳ 2021 - 2030… Đến năm 2015 GDP bình quân đầu người của Hà Nội khoảng 3.300 USD đến năm 2020 đạt 5.300 USD, năm 2030 đạt 11.000 USD.
 
Về tổ chức không gian đô thị Hà Nội, sẽ thực hiện theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm hạt nhân và các đô thị trực thuộc.
 
Các đột phá chiến lược là: xây dựng mô hình quản lý  đô thị; cải cách hành chính, phát triển nhanh nguồn nhân lực; phát triển các đô thị vệ tinh để tạo những không gian phát triển mới và giảm áp lực cho đô thị trung tâm.
 
Để thực hiện các mục tiêu, Hà Nội cần nguồn vốn 1.200 - 1.250 ngàn tỷ đồng cho thời kỳ 2011 - 2015 (tương đương 60 - 61 tỷ USD) và khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng thời kỳ 2016 - 2020 (tương đương 97 - 98 tỷ USD).
 
Cấn Cường