Về Bến Tre nghe người dân kể chuyện bắt cướp
Cập nhật ngày: 4-10-2018
 
Trong một lần đến công tác tại Chốt Công an An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), PV Báo CAND được nghe mọi người nhắc nhiều về anh Lê Hoàng Viên (ấp Phước Thạnh 2, xã Thành Triệu).
 

Đây là một trong những điển hình tiên tiến vừa được Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre biểu dương về thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh. 
 

Với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành, chất phát, nhưng ít ai ngờ rằng thời gian qua anh Viên đã nhiều lần tham gia cùng Công an bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật tại địa phương, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm. 
 

36 tuổi đời, trong đó có gần 10 năm gắn bó với nghề chạy xe ôm, tuy cuộc sống còn rất khó khăn nhưng anh luôn tự nhủ mình phải có trách nhiệm với việc giữ gìn sự bình yên tại nơi mình sinh ra và lớn lên. 

Đội xung kích tự quản, tự phòng ấp Tân Thị (xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) cùng Công an xã Tân Thủy.

Anh Viên nhớ lại, vào một buổi chiều giữa tháng 3-2017, trong lúc đợi khách tại khu vực chợ Tiên Long (huyện Châu Thành), anh phát hiện 2 đối tượng trộm tài sản của một phụ nữ đang tẩu thoát về hướng TP Bến Tre. Không chần chừ, anh Viên liền nổ máy xe bám theo, đồng thời báo cho cơ quan Công an để truy bắt. 
 

Mặc dù bị 2 đối tượng trên dùng nạn thun bắn trả để thoát thân, nhưng anh đã né kịp, ép được xe rồi khống chế quật ngã tóm gọn đối tượng gây án.  
 

Nghệ nhân hoa kiểng Nguyễn Văn Mến (tên gọi khác Mười Em, ấp Lân Tây, xã Phú Sơn huyện Chợ Lách), được mọi người dân nơi đây khen ngợi về hành động dũng cảm, trực tiếp bắt giữ tên tội phạm cướp giật tài sản. 
 

Như thường lệ, một buổi sáng tháng 8-2017, trong lúc đang chăm sóc hoa kiểng, thì anh Mười Em nghe tiếng tri hô cướp của bà Nguyễn Thị Cơ, là hàng xóm của anh. Một thanh niên đã giật lấy sợi dây chuyền 16 chỉ vàng 18K rồi bỏ chạy. 
 

Anh Mười Em lao theo tên cướp, mặc dù đối tượng này chống trả quyết liệt, nhưng với quyết tâm bắt giữ kẻ gian, anh đã khéo léo khống chế quật ngã đối tượng sau đó cùng bà con xung quanh bắt trói giao cho Công an xử lý.  
 

Hay 3 cha con anh Nguyễn Văn Ngon (54 tuổi), Nguyễn Quốc Toản (35 tuổi), Nguyễn Quốc Tuấn (33 tuổi, ấp Long Điền 7, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm), được mọi người dân ví như “gia đình nghĩa hiệp” của tỉnh Bến Tre. Hễ đi đâu làm gì mà gặp tội phạm là cả 3 cha con phải quyết tâm bắt giữ bằng được. 
 

Như chuyện vào đầu xuân rồi, 3 cha con anh Ngon cùng các thành viên trong Đội dân phòng xung kích phối hợp Công an xã Phước Long đã truy bắt một đối tượng cướp giật dây chuyền tại Tỉnh lộ 887 (thuộc ấp 6, xã Sơn Phú). 
 

Đặc biệt, vào tháng 7-2017, khi đang ở nhà, 3 cha con anh Ngon nhận được tin của Công an huyện Giồng Trôm có 2 đối tượng cướp giật tài sản tại xã Lương Hòa. Lúc này, 3 cha con anh Ngon lập tức thông báo cho các thành viên trong Đội dân phòng xung kích của xã, cùng phối hợp, tổ chức vây bắt 2 đối tượng trên thu hồi được tài sản là 2 sợi dây chuyền…
 

Mô hình Dân vận khéo trên lĩnh vực ANTT với tên gọi Đội xung kích tự quản, tự phòng ấp Tân Thị (xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) vừa vinh dự nhận Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương. 
 

Đây cũng là mô hình điển hình được báo cáo cấp tỉnh, khu vực và Trung ương nhân tổng kết 10 năm phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vừa qua. 
 

Đến nay, mô hình này được xã nhân rộng ra 5/6 ấp của xã, trở thành mô hình nổi bật, có hiệu quả trong việc kéo giảm tệ nạn xã hội, góp phần lớn giúp xã Tân Thủy giữ vững tiêu chí số 19 trong xây dựng nông thôn mới. Các thành viên trong đội cho biết, mô hình được khởi nguồn từ ý tưởng của một bác sĩ thú y - ông Nguyễn Văn Tông (56 tuổi). 
 

Theo ông Tông, trong những năm 2006, 2007, tình hình ANTT, ATXH trên địa bàn xã biên giới biển Tân Thủy rất phức tạp với các loại tệ nạn như: đá gà, đánh bài, cướp giật, thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, gây gổ, đánh nhau…. Ý thức phòng, chống, tố giác tội phạm của người dân chưa cao. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của bà con, kẻ gian đột nhập vào nhà cướp tài sản. 
 

Ông Tông cùng một số lão nông khác của ấp đã tự hỏi “Sao không thành lập tổ chống trộm để tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản của bà con, giữ gìn ANTT xóm làng?”. Ý tưởng đó được biến thành hành động cụ thể. Tổ chống trộm của Tổ nhân dân tự quản số 2 (ấp Tân Thị) ra đời trên cơ sở tự nguyện của 7 thành viên, do ông Tông làm Tổ trưởng.
 

Thành viên của Tổ chống trộm do ông Tông sáng lập ngày càng đông thêm, có nhiều anh em ở ngoài tổ cũng xin tham gia. Từ đây, ông mở rộng địa bàn hoạt động ra toàn ấp và thành lập Đội xung kích tự quản, tự phòng với hơn 21 thành viên. 
 

Nghề nghiệp của các thành viên trong tổ khác nhau như nông dân, thợ hồ và có cả một bác sĩ về hưu. Để mô hình có hiệu quả, các thành viên trong Đội được chia thành 4 cụm rải đều trong ấp, ai cũng có điện thoại để liên lạc với nhau. 
 

Khi phát hiện có người lạ mặt vào địa bàn về khuya, hoặc nghe tiếng chó sủa ở đâu đó trong ấp là điện thoại thông báo cho các thành viên thức dậy canh gác ở những vị trí được phân công.
 

Phương châm là bắt tận tay để kẻ phạm tội không đường chối cãi. Nhờ vậy, đến nay, Đội xung kích đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp trên địa bàn...

Nguồn cand.com.vn