Ở một huyện miền núi, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số thường sử dụng súng săn bắn thú rừng để mưu sinh thì việc vận động họ tự giác giao nộp là điều không đơn giản.
Vĩnh Thạnh từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bình Định. Toàn huyện có khá đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, phân bổ đều khắp ở 9 xã, thị trấn. Cuộc sống hằng ngày gắn với nương rẫy và thu nhập chủ yếu từ làm kinh tế rừng.
Cán bộ Công an huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra vũ khí thu hồi. |
Một số bà con còn lưu giữ súng có từ thời chiến tranh để làm kỷ vật hoặc để phòng thân khi đi rừng, săn bắn thú làm kế mưu sinh. Những năm gần đây, một số thanh niên người dân tộc thiểu số thường lên mạng tìm hiểu cách thức, rồi tự mua các vật liệu chế tạo súng bắn bằng hơi cồn, số khác lên mạng đặt mua qua đường bưu điện.
Trung tá Đinh Văn Ngoan, Phó trưởng Công an huyện nói về thực trạng: "Người này có, người khác cũng bắt chước làm theo. Cứ thế, các loại súng tự chế được bà con lén lút sử dụng gây phức tạp cho công tác quản lý. Để đối phó với sự phát hiện của chính quyền, bà con đều giấu ở các chòi rẫy, cách xa nhà hàng chục cây số nên việc vận động thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Việc sử dụng súng tràn lan từng gây những hậu quả đau lòng".
Thực tế đã từng có trường hợp đau lòng do "săn thú bắn nhầm người", hoặc sử dụng súng bất cẩn làm chết người thân trong gia đình. Vì vậy việc vận động bà con giao nộp vũ khí tự chế là cấp thiết để phòng ngừa những hiểm họa cho xã hội.
Trong năm 2017, Công an huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành 5 kế hoạch vận động toàn dân và chỉ đạo các ban, ngành cùng phối hợp thu hồi vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Có chủ trương nhưng biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả là điều lực lượng Công an phải suy nghĩ.
Qua trò chuyện với Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện, người được anh em trong đội gọi là "già làng" mang sắc phục Công an, chúng tôi biết vì sao những năm qua Vĩnh Thạnh luôn là địa phương dẫn đầu về thu hồi vũ khí vật liệu nổ của tỉnh.
Trung tá Ngoan cho biết, nếu chỉ tuyên truyền vận động, ký cam kết không tàng trữ, cất giấu vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phát động không thôi thì chưa đủ. Bởi, súng tự chế có người mua đến tiền triệu và được coi như công cụ kiếm sống hằng ngày nên bà con không dễ tự giác giao nộp.
Để có kết quả, lãnh đạo Công an huyện đã luôn truyền đạt cách thức làm dân vận "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc". CBCS phải lăn lộn địa bàn, gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm, tâm lý từng người, từng hộ tạo niềm tin cho bà con.
Nhiều khi xuống địa bàn có cán bộ phải bỏ ít tiền cá nhân, khi mua gói trà, gói bánh, bì kẹo, khi vài lít rượu để biếu bà con hoặc ngồi cả đêm bên bếp lửa trong nhà sàn "đánh sạch" mấy ché rượu cần hàn huyên cùng với các già làng, người uy tín.
"Có chuyến công tác chú Sơn trở về mang theo mấy khẩu súng nhưng người cứ phờ phạc như mất hết sinh khí. Hỏi ra mới biết chú ấy "cưa" hết bao nhiêu là ché rượu cần mấy ngày liên tục với các già làng, người uy tín trong làng. Thấy các chú "thật cái bụng" và thương sự gian khổ nên già làng đã cung cấp thông tin người nào có súng, giấu ở đâu hoặc cùng trực tiếp với chú đến tận chòi rẫy vận động bà con giao nộp", một cán bộ trẻ nói về Đội trưởng Sơn.
Ông Đinh V., người uy tín ở làng Đắc Tra, xã Vĩnh Kim mấy mươi năm trước nhặt được khẩu AR16 trong rừng, cất giấu ở rẫy để săn bắn, giãi bày: "Thấy cán bộ Công an nằm vùng tuyên truyền, vận động vất vả nên mình mủi lòng mang giao nộp, chứ giấu mãi ở chòi rẫy lỡ bị mất vào tay người xấu thì khổ cho bà con mình".
Nhiều già làng, người uy tín khác đã tích cực giúp sức cùng Công an vận động bà con giao nộp nhiều loại súng tự chế. Có làng như O2, xã Vĩnh Kim chưa có đường giao thông, phải đi bộ xuyên rừng cả ngày nhưng các anh vẫn vì nhiệm vụ.
Qua những chuyện kể về cách làm dân vận đối với bà con, mới thấy thành quả có được phải đánh đổi bao sự gian khổ, nhọc nhằn vì sự bình yên bản làng.
"Chúng tôi nắm chắc tình hình, tìm hiểu cuộc sống, giúp bà con đúng lúc khó khăn hay bệnh tật, có nhu cầu thì làm giấy CMND ngay tại nhà, hoặc các giấy tờ cần thiết mà họ cần. Bằng những việc vì dân phục vụ như thế nên bà con rất cảm kích, coi cán bộ, chiến sĩ Công an như con của làng. Khi đã ưng cái bụng thì bà con sẽ cộng tác, vận động nhau giao nộp súng", Trung tá Đinh Văn Ngoan, Phó trưởng Công an huyện tự hào khi nói về kết quả thu hồi vũ khí, vật liệu nổ của đơn vị.
Khi chúng tôi viết bài này thì Đội trưởng Sơn điện cho biết, một người thân của vị lão thành cách mạng đã mang đến cơ quan Công an giao nộp 1 khẩu K59 cùng 6 viên đạn là kỷ vật giữ lại thời chiến tranh.