Những cán bộ thường ngày vốn “ăn to, nói lớn” quen với sóng to, biển cả nhưng nhiều khi cũng bị những con sóng đánh gục. Mệt mỏi là vậy nhưng anh em chẳng ai dám rời vị trí...
Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng, dầu, trên tuyến biển, cảng biển các tỉnh thành phía Nam diễn biến phức tạp, được xác định là một trong địa bàn phức tạp. Tại địa bàn này, đối tượng hình thành các đường dây, tổ chức buôn lậu chuyên nghiệp...
Trên các vùng biển xa, chúng móc nối buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn đưa vào nội địa tiêu thụ. Một số đối tượng có tàu cá đánh bắt xa bờ còn lợi dụng chính sách hỗ trợ, đóng mới, hoán cải tàu cá để mua bán xăng dầu thu lợi bất chính với số tiền lớn; trong bờ và tuyến cảng các doanh nghiệp lợi dụng việc mua bán xăng dầu để gian lận thương mại bằng cách trốn thuế...
Một số đối tượng còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật mua bán, nhập khẩu các loại hóa chất để pha thành xăng bán ra thị trường với số lượng rất lớn để thu lợi với số tiền lớn gây mất ANTT và gây thất thu cho Nhà nước ảnh hưởng đến người tiêu dùng...
Giữa biển rộng bao la, tìm được đối tượng đã khó, tìm được vị trí để giấu mình, nắm tình hình, hoạt động của các đối tượng càng gian nan. Ngoài những khó khăn về điều kiện tự nhiên còn xuất phát từ thực tiễn của công tác đấu tranh chống buôn lậu hiện nay. Việc bán dầu trên biển thường mang lại cho ngư dân những khoản lợi nhuận không nhỏ.
Vì thế, một số người vì khoản lợi nhuận trước mắt đã làm ngơ hoặc vô tình tiếp tay cho tội phạm hoạt động. Một trong những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo thành công cho một vụ án là việc đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ.
|
Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam phối hợp với BĐBP Tiền Giang đã tiến hành tạm giữ tàu vận chuyển trái phép 1.000.000 lít dung môi Solmix. |
Lúc này, Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam lộ rõ vẻ ưu tư: Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đối tượng thường thực hiện hành vi ở vùng biển xa, khu vực giáp ranh. Trong trường hợp này, chúng hình thành các đường dây khép kín, cả trên bờ và ngoài biển, phân chia thành các cung đoạn.
Đặc biệt, hầu hết các phương tiện vận chuyển xăng dầu lậu đều trang bị ra-đa định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển. Các tàu buôn lậu xăng dầu của nước ngoài còn được trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ.
Để có một chuyên án thành công, phải thường xuyên thay đổi hình thức tiếp cận. Việc chọn thời điểm bắt giữ cũng phải tính toán kỹ lưỡng, thời gian và cả vị trí bắt giữ. Đó còn là việc phải đối mặt với những viên đạn bọc đường, khi các đối tượng tìm cách mua chuộc, dụ dỗ.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán chất dung môi (Solmix) sau đó pha chế thành xăng, sản xuất xăng giả bán ra thị trường thu lợi lớn gây thất thu cho Nhà nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng.
Vào lúc 15h ngày 29-7-2017, tại khu vực ngã ba Vàm Tuần, thuộc vùng nước nội thủy khu vực biên giới biển xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, tổ công tác Đoàn 3 phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang kiểm tra phương tiện Kim Minh 04, BKS SG 8067 do ông Võ Văn Chiến, 39 tuổi, ngụ Đồng Tháp làm thuyền trưởng.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng phương tiện Kim Minh 4 khai báo trên phương tiện đang vận chuyển 1.000.000 lít dung môi Solmix. Qua kiểm tra tổ công tác phát hiện về nguồn gốc lô hàng có các mâu thuẫn về hóa đơn.
Trao đổi với chúng tôi, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam cho biết: Đối với chất dung môi (Solmix) hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên đối tượng lợi dụng để pha chế thành xăng, sản xuất xăng giả bán ra thị trường thu lợi lớn gây thất thu cho Nhà nước.
Vì thế, cần có ý kiến với các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực này; quy định rõ đối tượng, doanh nghiệp được phép sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để vận chuyển xăng dầu và phạm vi, địa bàn được sử dụng loại phiếu xuất kho này từ đâu đến và có được phép sử dụng để vận chuyển ra ngoài địa bàn khác không.
Từ đó, nhằm hạn chế đối tượng lợi dụng phiếu xuất kho hiện nay để gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng xăng dầu.
Quá trình điều tra, do các đối tượng, doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi liên quan đến nhiều địa bàn, lực lượng xác minh ít, mất nhiều thời gian, do đó các đối tượng, doanh nghiệp có thời gian để hợp thức hóa các giấy tờ liên quan.
Cùng với đó, phương tiện tuần tra còn hạn chế, công suất nhỏ hơn rất nhiều so với phương tiện của đối tượng buôn lậu, dẫn tới công tác tuần tra, kiểm soát, truy đuổi, bắt giữ gặp nhiều khó khăn; kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng chuyên trách chống buôn lậu còn mỏng, kinh nghiệm điều tra phát hiện hóa đơn, chứng từ giả mạo, hợp thức, quay vòng còn yếu nên kết quả đánh bắt buôn lậu xăng dầu, quặng trên biển còn chưa tương xứng với thực tế.
Năm 2017, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam đã chủ trì, phối hợp các lực lượng bắt giữ 8 vụ/19 đối tượng, tang vật thu giữ: 1.500.000 lít xăng, 116.982 lít dầu, 2.000.000 lít Pluto Condentsate, 1.000.000 lít dung môi Solmix, 3.000 tấn quặng ti tan, 3.008 tấn quặng Apatit, 08 phương tiện vận tải biển (so với năm 2016, tăng 400m3 + 319.901 lít dầu DO, 897.386 kg dầu FO, 1.570.000 lít xăng). |
Nguồn cand.com.vn