Hiệu quả từ “Tiếng loa an ninh, trật tự”
Cập nhật ngày: 9-10-2017
 
Để chủ động trong phòng ngừa tội phạm, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. Xuất phát từ lý do đó, mô hình “Tiếng loa an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT tự trên địa bàn.
 

Công an phường 7 tuyên truyền bằng loa an ninh, trật tự (Ảnh: Hải Linh)

 
Hàng đêm, từ khoảng 20 giờ đến 22 giờ, Công an phường 7, thành phố Bạc Liêu bố trí lực lượng đến khu vực đông dân cư, khu vực phức tạp về ANTT để tuần tra, dùng loa di động tuyên tuyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, đề phòng trộm cắp tài sản và nhiều vấn đề khác như thiên tai, hoả hoạn. Nhờ đó, mà ý thức của người dân trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng trộm cắp, cướp giật trên địa bàn phường cũng giảm đáng kể.
 
“Mô hình tiếng loa an ninh trật tự này của Công an phường 7 tôi thấy rất hay, người dân nghe được nhiều thông tin, nâng cao được ý thức của người dân chấp hành các quy định của Nhà nước, để làm cho thành phố thêm trong sạch”, ông Lê Ta, người dân khóm 3, phường 7, thành phố Bạc Liêu cho biết.

Không chỉ riêng địa bàn phường 7, thành phố Bạc Liêu mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã triển khai mô hình “Tiếng loa an ninh trật tự”. Với ưu điểm gọn, nhẹ, dễ di chuyển nên lực lượng Công an có thể tuyên truyền trực tiếp tới người dân, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, tại các địa bàn giáp ranh về tình hình ANTT, các phương thức hoạt động của các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kêu gọi người dân chấp hành tốt pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, các giải pháp để người dân phòng, chống tội phạm; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời thông báo đến lực lượng Công an khi có sự việc xảy ra.
 

Công an huyện Phước Long tuyên truyền bằng loa an ninh trật tự
(Ảnh: Duy Tân)
 
Từ khi có tiếng loa an ninh này, trên địa bàn tình hình phạm pháp hình sự giảm, người dân nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, đề phòng các thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Tội phạm cũng không dám hoạt động trên địa bàn”, Đại uý Trần Văn Liêu, Trưởng Công an thị trấn Phước Long, huyện Phước Long cho biết.

Mô hình “Tiếng loa an ninh, trật tự” không chỉ mang lại sự bình yên trên địa bàn, mà còn huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Hải Linh