Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Công an tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tăng cường phòng ngừa, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Xác định tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân; vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh đã phát hơn 8.000 tờ rơi, treo 20 băng rôn tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân chọn mua và sử dụng các thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó nhằm nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Phùng Thúy Quyên, đại diện cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Khóm 2, Phường 3, thành phố Bạc Liêu cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, cửa hàng chúng tôi luôn ưu tiên chất lượng đầu vào, nhập hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Công an Bạc Liêu phát tờ rơi, tuyên truyền bảo đảm
an toàn thực phẩm cho chủ cửa hàng tạp hóa
Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm; các điểm chợ nông sản, thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; công ty, doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra liên quan đến các quy định về hồ sơ pháp lý; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; việc tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân viên; quá trình chế biến thực phẩm… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Công an Bạc Liêu kiểm tra quy trình lấy mẫu thức ăn tại bếp ăn tập thể của
Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, Phường 1, thành phố Bạc Liêu
Cùng với việc thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm có liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, sử dụng hóa chất, chất phụ gia, quá hạn sử dụng, tẩy xóa nhãn mác… Tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến trọng điểm, phối hợp xử lý hành vi vận chuyển thực phẩm, chất phụ gia, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện 03 vụ, liên quan 03 đối tượng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Lý Minh Khương, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh sát kinh tế đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung ứng hàng hóa để sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở kinh doanh và ý thức cảnh giác của người dân trước các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, thiết nghĩ mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng các sản phẩm có dấu hiệu bất thường như phồng, bẹp, biến dạng, không nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng, lực lượng Công an gần nhất khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đồng thời, các cơ sở kinh doanh, người sản xuất, chế biến thực phẩm cần phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội./.
Trọng Thức