Chủ động phòng ngừa cháy, nổ tại chợ truyền thống
Cập nhật ngày: 31-08-2024
 
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các khu dân cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Với đặc thù là nơi tập trung nhiều loại hàng hóa, số lượng người dân mua bán hằng ngày rất đông, chợ truyền thống cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Nhận thức được vấn đề trên, thời gian qua Công an Bạc Liêu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ truyền thống, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân.
 
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 60 chợ truyền thống, chợ đầu mối đang hoạt động trong quy hoạch. Các chợ thường được bố trí xây dựng tại nơi tập trung đông dân cư, dễ giao thương hàng hóa. Do vậy, số lượng người, hàng hóa, phương tiện cá nhân và các chất dễ cháy như vải, quần áo, giày dép, đồ gia dụng (nhựa, gỗ, giấy)... thường cao hơn so với các khu vực khác. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, đám cháy sẽ lan rất nhanh sang các khu vực lân cận và phát triển thành cháy lớn. Bên trong chợ, các lối đi giữa các gian hàng thường nhỏ hẹp nên lực lượng chữa cháy rất khó khăn khi tiếp cận đám cháy qua các lối này.

Xác định việc nâng cao ý thức của các tiểu thương là giải pháp căn cơ góp phần phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ truyền thống, Công an Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành chức năng, Ban quản lý chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua loa phát thanh, mạng xã hội, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu... Thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, không che chắn lối ra vào; tự kiểm tra an toàn các thiết bị điện; không đun nấu, thắp nhang, đèn thờ cúng, mang vật liệu dễ cháy vào quầy, sạp hàng. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng các dụng cụ chữa cháy để dập lửa khi có cháy, nổ xảy ra.

 
lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy xách tay

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cá biệt 5.134 lượt, tuyên truyền qua mạng xã hội 748 lượt, phát 37.545 tờ rơi tuyên truyền về công tác PCCC. Nhờ đó, ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ có thêm kiến thức về PCCC mà còn chủ động tham gia vào công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ tại nơi mình kinh doanh, buôn bán.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, tiểu thương chợ Phường 1, thành phố Bạc Liêu chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được lực lượng Công an và Ban quản lý chợ tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC; nhất là việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, sắp xếp hàng hoá gọn gàng, ngăn nắp, tránh xa các ổ điện, không che chắn lối ra vào để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra”.

 
Phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ cho tiểu thương trong khu vực chợ
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh còn tăng cường kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở các tiểu thương trong khu vực chợ thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót về PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Đồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nguồn nước, hệ thống báo cháy và các trang thiết bị chữa cháy được bố trí tại khu vực chợ đảm bảo hoạt động thông suốt để chủ động trong công tác PCCC.


Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra trang thiết bị chữa cháy
được bố trí tại chợ Phường 1, thành phố Bạc Liêu

 
Thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho đội PCCC tại các điểm chợ… Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã mở 30 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH với 1.612 thành viên tham gia; củng cố, nâng chất 311 đội PCCC và CNCH cơ sở với 3.144 thành viên.

Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực tập 30 phương án chữa cháy và CNCH tại khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Qua đó, nâng cao ý thức về công tác PCCC và CNCH khi xảy ra các tình huống cháy, nổ; phát huy được tính chủ động, khả năng “4 tại chỗ” của địa phương trong PCCC cũng như khả năng phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ trong công tác chỉ huy, điều động lực lượng, phương tiện, áp dụng chiến thuật, kỹ thuật để xử lý tình huống cháy, nổ.

Thực tập phương án chữa cháy và CNCH
tại chợ Công nghệ phẩm thuộc Khóm 3, Phường 3, thành phố Bạc Liêu

Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ truyền thống, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác PCCC; qua đó bảo vệ tính mạng, tài sản cho bản thân và những người xung quanh, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do cháy, nổ gây ra với phương châm “Phòng ngừa là chính”./.
Trọng Thức