Thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho người chưa có thẻ Căn cước
Cập nhật ngày: 17-07-2024
 
Luật Căn cước năm 2023 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo quy định tại Điều 31 Luật Căn cước, mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, qua đó, tạo điều kiện cho công dân sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
 
Xác định được tầm quan trọng của tài khoản định danh điện tử, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Việc cài đặt tài khoản định danh điện tử liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi người dân, bởi theo quy định, từ sau ngày 01/7/2024, tài khoản định danh điện tử là tài khoản duy nhất được sử dụng để đăng nhập vào Cổng Dịch công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính. Song song đó, ứng dụng VNeID còn là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ Căn cước công dân điện tử, tích hợp nhiều loại giấy tờ cũng như giúp người dân sử dụng thực hiện một số thủ tục tại nhà mà không cần trực tiếp đến cơ quan chức năng.
 

Tài khoản định danh điện tử được sử dụng trong nhiều thủ tục hành chính

Tính đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiến hành thu nhận đạt trên 112% chỉ tiêu, kích hoạt được 425.264 tài khoản định danh điện tử mức 2, đạt 89,5% chỉ tiêu. Đây là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn toàn tỉnh cũng như cấp căn cước điện tử cho công dân. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn một số trường hợp chưa có tài khoản định danh điện tử và chưa có thẻ Căn cước, điều này gây nhiều khó khăn đối với cá nhân công dân và việc quản lý của cơ quan chức năng.  

Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, trường hợp công dân chưa được cấp thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước thì thực hiện đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử đồng thời với việc thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định 69/2024/NĐ-CP.

Như vậy, người chưa có thẻ Căn cước muốn làm tài khoản định danh điện tử thì sẽ thực hiện đồng thời 02 thủ tục như sau:

Thủ tục thứ nhất: Cấp thẻ căn cước

- Đối với trường hợp người từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước được thực hiện như sau: (Khoản 1, 3 Điều 23 Luật Căn cước 2023)

+ Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Luật Căn cước 2023;

+ Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước;

+ Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;

+ Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

+ Trả thẻ Căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ Căn cước có yêu cầu trả thẻ Căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ Căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Lưu ý: Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục như trên.
 

Thủ tục cấp Căn cước cho người dưới 14 tuổi do người đại diện hợp pháp thực hiện 

- Trường hợp cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi (Khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023)

+ Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ Căn cước.

+ Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

+ Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

+ Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023.

+ Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Thủ tục thứ hai: Cấp tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam

- Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 (Khoản 1 Điều 10 Nghị định 69/2024/NĐ-CP)

+ Công dân sử dụng thiết bị số tải và cài đặt Ứng dụng định danh quốc gia;

+ Công dân sử dụng Ứng dụng định danh quốc gia để nhập thông tin về số định danh cá nhân, số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử của công dân (nếu có); kê khai thông tin theo hướng dẫn trên Ứng dụng định danh quốc gia; thu nhận ảnh khuôn mặt thông qua thiết bị số và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử;

+ Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc qua số thuê bao di động chính chủ hoặc địa chỉ thư điện tử;

+ Người đại diện, người giám hộ sử dụng số thuê bao di động chính chủ và tài khoản định danh điện tử mức độ 02 của mình để kê khai, đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 cho người dưới 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện thông qua Ứng dụng định danh quốc gia.

- Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (Khoản 2 Điều 10 Nghị định 69/2024/NĐ-CP)

+ Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước không phụ thuộc vào nơi cư trú, xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực và thực hiện thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02;

+ Công dân cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin trên Phiếu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử theo mẫu TK01 ban hành kèm theo Nghị định 69/2024/NĐ-CP; trong đó cung cấp rõ số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử của công dân (nếu có) và thông tin khác đề nghị tích hợp vào căn cước điện tử (nếu có nhu cầu) cho cán bộ tiếp nhận;

+ Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử để xác thực; xác thực ảnh khuôn mặt, vân tay của công dân đến làm thủ tục với Cơ sở dữ liệu căn cước;

+ Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 và thông báo kết quả đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc số thuê bao di động chính chủ hoặc địa chỉ thư điện tử;

+ Người dưới 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện cùng người đại diện hoặc người giám hộ của mình đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02; Người đại diện, người giám hộ sử dụng số thuê bao di động chính chủ của mình để kê khai, đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 cho công dân Việt Nam là người dưới 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

Lưu ý: Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02.

Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu. (Khoản 1 Điều 7 Nghị định 69/2024/NĐ-CP).

Tài khoản định danh điện tử có thể tích hợp các loại giấy tờ như bằng lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thông tin đăng ký xe... Tài khoản này dùng song song với các tiện ích đã tích hợp trong thẻ gắn chip. Bên cạnh đó, người dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế hay chuyển tiền khi đã có tài khoản định danh điện tử… Do đó, mỗi công dân Việt Nam cần thiết phải tạo lập tài khoản định danh điện tử. Đây là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân, góp phần trong công cuộc chuyển đổi số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay./.
 
 
Phương Thảo