Là cán bộ công tác trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền của Công an tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, tôi đã dùng “nét sắc ngọn bút” của mình để phản ánh một cách toàn diện, khách quan, trung thực các lĩnh vực công tác Công an, tạm gọi là “viết về mọi người”. Vậy nên, nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 – ngày mà mọi người vẫn quen gọi thân thương là “Tết nghề báo”, cho phép tôi được “viết về tôi”, về những trải nghiệm và tâm tình trong hành trình gắn bó với nghề “cầm bút”!
“Tháng Sáu về xin tặng đóa hoa tươi,
Xin gửi tặng những người làm nghề báo,
Vững chí, bền gan, tay nghề hoàn hảo,
Tâm sáng, vững bền, để bài viết thăng hoa”.
Hành trình gắn bó với nghề “cầm bút” của một chiến sĩ Công an nhân dân
“một nghề hai nghiệp” kéo dài đến nay cũng tròn 07 năm
Còn nhớ cách nay 07 năm, ngày 25/8/2017, nhận Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu về phân công công tác tại Phòng Công tác chính trị (nay là Phòng Công tác đảng và công tác chính trị), bản thân tôi không khỏi bất ngờ và lo lắng. Bất ngờ vì đơn vị công tác hoàn toàn khác với chuyên ngành Điều tra trinh sát mà mình được đào tạo tại Đại học An ninh nhân dân. Lo lắng bởi lĩnh vực Tuyên truyền được phân công là một nhiệm vụ hoàn toàn mới lạ, như một “trang giấy trắng” đối với bản thân. Lúc đó, tôi không biết bắt đầu từ đâu, cần làm gì để bắt nhịp công việc, làm thế nào để làm tốt vai trò cán bộ tuyên truyền trong lực lượng Công an tỉnh… Hàng loạt những câu hỏi trong đầu mà bản thân chưa có lời đáp!
Và cũng chính từ đó, hành trình gắn bó với nghề “cầm bút” của một chiến sĩ Công an nhân dân “một nghề hai nghiệp” kéo dài cho đến nay. Ở thời điểm hiện tại, ngót nghét tuổi 30, độ tuổi không còn quá trẻ, song ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và cả sự dấn thân với nghề thì “không hề già”. Qua nhiều năm lăn lộn với nghề làm báo, tôi nhận ra đây là một nghề không đơn giản chỉ “cầm bút, cầm máy”, mà đó là nghề của sự sáng tạo, nghề của niềm đam mê và cống hiến. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nên để người làm báo trải ra trên mặt báo những “lát cắt ngôn từ”, hay lột tả được bản chất sự việc và định hướng cho dư luận chẳng dễ chút nào. Thế nên, mỗi chuyến công tác, mỗi lần ghi hình, phỏng vấn hay đặt bút viết bài, tôi luôn trăn trở: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào… để có thể truyền tải đến độc giả, bạn xem đài những tin tức, phóng sự, bài viết hội tụ đủ các yếu tố “thời sự – khách quan – trung thực – kịp thời”. Đó cũng chính là phương châm làm nghề của bản thân trong nhiều năm qua.
Những chuyến công tác thực tế tại các địa bàn vùng sâu, tiếp xúc với bà con
là dịp để bản thân tôi nâng cao tay nghề và tích lũy nhiều kinh nghiệm sống
Khoác trên mình màu áo của lực lượng Công an nhân dân, hơn ai hết tôi thấu hiểu những gian nan, vất vả và những hiểm nguy thường trực mà đồng chí, đồng đội của mình đang ngày đêm đối mặt. Do đó, trong quá trình “cầm bút” của mình, tôi luôn gửi trọn tâm tình trong từng câu chữ, theo sát từng dấu chân hành trình phá án của đồng chí, đồng đội trên mọi nẻo đường. Mỗi địa bàn, mỗi tính chất sự kiện có đặc thù tác nghiệp riêng, dù là những chuyến công tác tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh hay những lần đến tận sào huyệt của bọn tội phạm ngoài tỉnh, khó khăn đến mấy, tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân phải giữ được ngọn “lửa nghề” luôn hừng hực cháy. Nhiều vụ án chính bản thân được đồng hành từ khi bắt đầu cho đến khi khép lại hồ sơ, có nhiều đêm cùng đồng đội thức trắng để ghi lại những chi tiết, những thước phim đắt giá trong cuộc chiến chống tội phạm đầy cam go, thách thức.
Chẳng hạn như cuộc “xông pha” trận tuyến cùng các anh trinh sát trong chuyên án đấu tranh băng nhóm tín dụng đen cách nay 04 năm. Đó là câu chuyện vào buổi chiều trung tuần tháng 8/2020, vừa về tới phòng ở thì nhận được cuộc điện thoại của đồng chí lãnh đạo Phòng phụ trách phân công đi công tác: “Alô, con xách máy qua đi chung xe với hình sự liền nghen”. Và từ buổi chiều hôm đó cho đến gần 06 sáng hôm sau chuyến công tác của tôi mới kết thúc tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hơn 12 giờ đồng hành cùng trinh sát hình sự ghi nhận trọn vẹn quá trình truy bắt thành công băng nhóm cho vay lãi nặng gồm 11 đối tượng đến từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên do Vũ Đình Dũng (sinh năm 1980, ngụ xã Đăk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) cầm đầu, hoạt động cho vay với lãi suất 360%/năm trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang và khám xét, thu giữ số lượng tang chứng khổng lồ gồm: 572 CMND, 286 Sổ hộ khẩu, 111 Giấy phép lái xe, 2.277 biên lai ghi nợ với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.
2 năm dịch Covid-19 bùng phát cũng là khoảng thời gian để lại
nhiều kỷ niệm khó quên cho bản thân trong hành trình “cầm bút”
Hay cách nay 01 năm, cũng trong một buổi chiều cuối tháng 6/2023, theo chân các anh trinh sát hình sự đến địa bàn xã Trường Long A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam, khám xét nơi ở của tên “đạo chích” Nguyễn Văn Giàu, kẻ đã đột nhập vào một căn nhà trên địa bàn Phường 3, thành phố Bạc Liêu lấy trộm số tiền 260 triệu đồng, cùng nhiều loại trang sức với tổng trọng lượng hơn 3,2 lượng vàng. Qua đó cũng tạo bước đột phá để Phòng Cảnh sát hình sự triệt phá thành công chuyên án đấu tranh băng nhóm gồm 13 đối tượng thực hiện hơn 190 vụ trộm cắp tài sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Có lẽ chỉ những ai đã từng lăn lộn với thực tế làm nghề mới hiểu được, để phản ánh được tình hình an ninh, trật tự đến với độc giả, bạn xem đài là một chặng đường đầy thử thách ý chí của những người làm công tác báo chí tuyên truyền trong lực lượng Công an nhân dân. Mặc dù là những nhà báo không chuyên nhưng tôi cùng các đồng đội của mình vẫn luôn có mặt kịp thời để ghi lại những thước phim trân quý về lực lượng Công an Bạc Liêu trong từng chuyên án, vụ án hình sự; luôn đồng hành cùng các lực lượng cảnh sát kinh tế, môi trường đến tận cơ sở bắt tôm chứa tạp chất, sản xuất hàng giả, hàng nhái; sát cánh cùng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong những cuộc truy quét “cái chết trắng”; phản ánh chân thực về hình ảnh người lính cứu hỏa trong cuộc chiến với giặc lửa; hòa mình cùng sắc nắng với Cảnh sát giao thông trên những tuyến đường; lĩnh kĩnh mang theo micro, ống kính theo bước chân lực lượng Công an xuống địa bàn tâm dịch, khu cách ly trong suốt 02 năm dịch Covid-19 bùng phát… Dẫu biết rằng sẽ phải đối diện với những hiểm nguy nhưng với sự đam mê, nhiệt huyết trở thành động lực để tôi có thể tiếp cận, kịp thời ghi lại những thước phim, khắc hoạ được những khoảnh khắc đẹp, những giây phút hào hùng của những chiến sĩ Công an Bạc Liêu lan tỏa đến Nhân dân một cách chân thực nhất, gần gũi nhất.
Sau nhiều lần rong ruổi xuống các vùng quê, tác phẩm
“Bẫy chuột hay bẫy người?” đã ra đời và kịp tham gia Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân
Trong hành trình lăn lộn với nghề “cầm bút”, tôi và các đồng đội cũng đạt được những tấm huy chương, những giải thưởng tại các kỳ Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân, các giải báo chí do trung ương, địa phương phát động, đây cũng chính là động lực, niềm vui đối với nghề. Có lẽ nhớ nhất vẫn là khoảng tháng 8/2019, đúng 02 năm tôi chính thức làm báo. Khi ấy cùng anh em trong Đội lặn lội xuống các vùng quê phản ánh hiện trường các vụ chết người do dùng xung điện bẫy chuột, rong ruổi đến từng nhà nạn nhân ghi nhận chia sẻ sau các vụ tai nạn thương tâm… Và rồi tác phẩm “Bẫy chuột hay bẫy người?” ra đời, may mắn thu hút được Ban giám khảo và kết quả được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân lần thứ XI – năm 2019.
Trải qua nhiều năm công tác, bản thân tôi tự đút rút bí quyết làm nghề của mình, chính là “tích cực tự học, tự rèn; học hỏi, trao đổi, cùng nhau phát triển”. Hành trình “cầm bút” chắc hẳn sẽ còn nhiều những khó khăn, vất vả, nhưng không vì thế mà chùn bước, bởi có trải qua những gian truân ấy, thì bản thân càng trân quý hơn nghề như người đời thường gọi – nghề “thư ký của thời đại”, đầy nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang!
Trọng Nguyễn